TTO - Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp đã nhận được sự đồng tình và đây là giải pháp khẩn cấp để cứu rừng.
Rừng ở xã Hiếu, huyện Kon Plông (Kon Tum) bị chặt phá - Ảnh: TẤN VŨ |
Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra tại hội nghị tìm các giải pháp khôi phục rừng vùng Tây nguyên tổ chức ở Đắk Lắk sáng 20-6 một lần nữa được Thủ tướng nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk sáng 21-6.
Các tỉnh rà soát các dự án rừng tự nhiên
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, ông Trương Phước Anh - giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai - cho biết đã họp với các chuyên gia lâm nghiệp của sở để rà soát các dự án liên quan đến rừng tự nhiên tại địa phương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hải - giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum - cũng nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ vì rừng hiện nay đang bị tàn phá quá nhiều”.
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Dương - giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk - cũng cho biết rất tán thành chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, đó là một trong những giải pháp để bảo vệ rừng.
Ông Đỗ Quang Tùng - giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk - cho rằng chỉ đạo “đóng cửa rừng” không phải có từ bây giờ mà từ năm 2014. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020.
“Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Bộ NN&PTNT trong công tác bảo tồn rừng. Và không chỉ có tôi mà các tổ chức quốc tế, các đơn vị quản lý rừng đều tán thành và rất đồng tình với chỉ đạo “đóng tất cả cửa rừng tự nhiên” của Thủ tướng Chính phủ” - ông Đỗ Quang Tùng nói.
Một xe gỗ lậu bị bắt giữ tại huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Sẽ gặp nhiều khó khăn
Mặc dù ủng hộ nhưng theo ông Trương Phước Anh, Gia Lai hiện còn những dự án liên quan đến rừng đang triển khai dang dở, các khu dân cư vẫn cần phải rà soát lại từng loại đất, loại rừng để bóc tách, giao lại cho địa phương quản lý, chưa kể việc xem xét một số dự án làm thủy điện...
“Do đó, để thực hiện rốt ráo chủ trương trên, tỉnh sẽ phải xem xét từng dự án một” - ông Anh thông tin.
Ông Nguyễn Trung Hải cũng cho rằng việc triển khai đóng cửa rừng tự nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Tại Kon Tum có một số dự án liên quan đến diện tích rừng tự nhiên như làm đường giao thông, thủy điện... Những dự án này đang trong quá trình triển khai sẽ phải dừng lại theo như chỉ đạo của Thủ tướng. Do đó tới đây sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho dừng lại các dự án triển khai dang dở, còn các dự án mới sẽ không được cấp phép thực hiện” - ông Hải nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Dương nói rằng việc thực hiện chủ trương này rất khó khăn vì Tây nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có lợi thế phát triển nông nghiệp.
“Các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp cũng cần có quỹ đất để triển khai dự án. Trong bối cảnh cần phải thu hút đầu tư, đặc biệt những tập đoàn lớn đã có kế hoạch, đã triển khai, thậm chí có dự án đã được Thủ tướng phê duyệt.
Nếu dừng lại việc này thì khó cho tỉnh và doanh nghiệp, không thu hút đầu tư vào Đắk Lắk trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước không thể làm thay các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - ông Dương nêu ý kiến.
Lập đoàn kiểm tra việc đóng cửa rừng
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Cao Chí Công - phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) - cho hay việc đóng cửa rừng còn gọi là “ngừng khai thác gỗ rừng tự nhiên” đã được triển khai từ năm 2005.
Ông Cao Chí Công - Ảnh: Đ.BÌNH |
Ngày 14-12-2014, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành quyết định phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020, mục tiêu chính là nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, và khi có quyết định này gần như đã dừng toàn bộ việc khai thác gỗ rừng tự nhiên.
Cũng thời điểm này, Chính phủ ban hành nghị định (số 118, ngày 17-12-2014) về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp...
Ông Công cho biết triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại các doanh nghiệp, từ chỗ có gần 150 doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn toàn quốc và 56 doanh nghiệp lâm nghiệp khu vực Tây nguyên thì đến năm 2015, cả nước chỉ còn 3 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên, trong đó một doanh nghiệp ở Quảng Bình, hai doanh nghiệp ở Tây nguyên và trong năm 2015 hai doanh nghiệp này cũng chỉ được phép khai thác 13.500m3 gỗ/năm.
Về kế hoạch, lộ trình đóng cửa rừng ở Tây nguyên, ông Công nói Bộ NN&PTNT cũng đã triển khai kế hoạch đi kiểm tra đánh giá về máy móc, thiết bị, nhân lực của các doanh nghiệp lâm nghiệp.
Cụ thể, các địa phương cần kiểm tra, đánh giá 3 doanh nghiệp lâm nghiệp ở Quảng Bình, Kon Tum, Đắk Nông xem khả năng sắp xếp lại doanh nghiệp thì lực lượng lao động dư thừa ra sao, máy móc, thiết bị thế nào, khả năng duy trì được không để báo cáo Bộ NN&PTNT và Chính phủ.
Dự kiến khoảng quý 3-2016 Chính phủ sẽ lập đoàn liên ngành để kiểm tra, đánh giá tác động của việc đóng cửa rừng.
Phá rừng gây hạn hán ngày càng nghiêm trọng Theo Ban Chỉ đạo Tây nguyên, trong năm tháng đầu năm 2016, tổng thiệt hại về kinh tế do hạn hán gây ra ở khu vực là 3.487 tỉ đồng. Đã có 108.118ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do hạn hán, 12.582 cây hoa màu, cây ăn quả và cây trồng khác cũng bị ảnh hưởng với diện tích mất trắng và thiệt hại trên 70%, khoảng 637ha. Nhiều chuyên gia nhìn nhận hạn hán ở Tây nguyên trong những năm gần đây ngày càng nghiêm trọng có nguyên nhân từ phá rừng. |
Nhận xét
Đăng nhận xét