Sáng nay (8.8), tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”. Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp lắng nghe, trao đổi với doanh nghiệp trong ngành gỗ.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước cùng 400 doanh nghiệp đại diện cho 4.500 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.
Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích lớn cho sự phát triển của ngành trong tương lai.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về tiềm năng và xu hướng thị trường gỗ trên thế giới, cơ hội và giải pháp cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ Việt. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bàn giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành chế biến gỗ, liên kết theo chuỗi để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững, đáp ứng quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của quốc tế.
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính ước đạt trên 5 tỷ USD. Riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỷ USD. Ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu lâm sản 9 tỷ USD trong năm nay, một mục tiêu được đánh giá là hoàn toàn khả thi.
Hiện gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/năm giai đoạn 2010-2017, đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, tăng 10,2% so với năm 2016. Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, ngành chế biến lâm sản với hơn 4.500 doanh nghiệp (tư nhân chiếm 95%) đã tạo ra 500.000 việc làm hàng năm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận vai trò của ngành chế biến lâm sản trong việc đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế xã hội nói chung và là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp nói riêng, nằm trong số ít ngành hàng mang lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế.
Để đạt được điều này, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, cần tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng nguyên liệu, phát triển rừng gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ chọn, tạo giống, trồng, chăm sóc rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng.
Ngoài khai thác và sử dụng có hiệu quả 2,8 triệu hécta rừng trồng sản xuất hiện có, ổn định diện tích khai thác rừng khoảng 200.000-250.000ha/năm, Việt Nam phấn đấu là một trong các trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới từ nguồn gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm đạt 4,13 tỷ USD. Ngành gỗ dẫn đầu giá trị xuất siêu trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực với thặng dư trên 3,2 tỷ USD. Chỉ số phát triển toàn ngành những năm gần đây luôn duy trì ở mức 8-15%, tương ứng kim ngạch bình quân tăng trưởng hơn 440 triệu USD mỗi năm.
Nhận xét
Đăng nhận xét