Trong nội thất, "gu" hàm nghĩa là sự tổng hòa của các yếu tố văn hóa cùng cái tôi của chủ nhân công trình, được tái hiện bằng bàn tay của kiến trúc sư và các nhà sản xuất. Tuy vậy, với các diễn giả của talk show "Sống có gu" diễn ra trong khuôn khổ triển lãm nội thất VIFA GU, gu Việt vẫn là một phạm trù đang trong quá trình thai nghén và định hình.
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, phong cách nội thất Việt không phải là "ăn mày quá khứ", trở về với lối sắp đặt và những gam màu của thời đại đã qua. Ông cho rằng nhiều người vẫn đang hiểu sai về "phong cách Việt Nam" và đánh đồng nó với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, từ đó dẫn tới lối tư duy bài xích những giá trị tích cực có nguồn gốc ngoại quốc.
(HAWA) bàn luận cùng nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ông Lý Quí Trung - CEO tập đoàn nội thất AKA Furniture và KTS Nguyễn Văn Tất - tổng biên tập tạp chí Nhà Đẹp tại cuộc tọa đàm "Sống có gu". Ảnh: Giang Lê.
"Chúng ta trước giờ vẫn mắc phải sai lầm chỉ dùng cụm từ 'đậm nét dân tộc' để nói về phong cách hay gu Việt. Một nền văn hóa sẽ mai một nếu không giao thoa và phát triển cùng các nền văn hóa khác." Vậy nên 'gu Việt' không chỉ ở việc thể hiện được nét văn hóa truyền thống mà còn phải mang hơi thở hiện đại và các giá trị quốc tế," ông Trảng nói.
Chúng ta đang chứng kiến thời kỳ chuyển giao thế hệ người tiêu dùng về sản phẩm dịch vụ nội thất tại cả Việt Nam và quốc tế: Millennials (những người trẻ sinh từ năm 1980 tới 1998). Thế hệ đang chiếm tới 35% dân số Việt Nam, đã bắt đầu bước vào độ tuổi xây dựng gia đình. Một đặc trưng khiến Millennials khác biệt so với những thế hệ trước là họ không quá bận tâm tới những món đồ nội thất phải có xuất xứ từ các quốc gia đầu ngành như Ý hay Pháp, mà phải thể hiện được cái tôi và mang lại một giá trị thặng dư tinh thần nhất định.
Song song với đó, tiến trình đô thị hóa vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khiến cho không gian sống của những người trẻ ngày càng bị thu hẹp. Đó chính là lý do giải thích vì sao: hai trong số các xu hướng của nội thất thế giới năm 2019 nghiêng về việc lồng ghép tích hợp màu xanh thiên nhiên, đồng thời tận dụng tối đa diện tích nhỏ hẹp để xây dựng không gian sống tiện nghi nhưng vẫn thoải mái.
Đối tượng khách hàng chính thay đổi, kèm theo đó là định nghĩa "gu Việt" vẫn chưa thực sự rõ nét vừa là thách thức, vừa là cơ hội đang rộng mở trước mắt các doanh nghiệp nội thất Việt Nam đương đại.
Đồng tình với quan điểm này, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, tổng biên tập tạp chí Nhà Đẹp cũng chỉ ra một nghịch lý: "Thị trường nội thất nội địa vẫn còn quá mỏng." Trong khi đó, tính riêng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm 2018 đã chạm mốc 9,3 tỉ USD, đứng thứ hai châu Á và thứ năm thế giới. Thị trường chế biến gỗ trong nước vô cùng sôi động với sự hiện diện của gần 4.500 doanh nghiệp, mang lại việc làm cho gần nửa triệu lao động.
Tạo được dấu ấn ở thị trường quốc tế, nhưng việc chinh phục thị trường nội địa vẫn còn là giấc mơ của nhiều doanh nghiệp đồ gỗ nói riêng và nội thất nói chung. Ông Bùi Huy Hùng - giám đốc công ty An Cơ chỉ ra nguyên nhân nằm ở việc "doanh nghiệp vẫn chỉ lo chạy theo 'tiếng gọi của cơm áo' từ các đơn hàng xuất khẩu, thiếu lực để tham gia thị trường trong nước."
Các diễn giả đều đồng ý rằng đây chính là lúc các doanh nghiệp nội thất, kết hợp cùng các nghiệp đoàn, bắt đầu bước chân vào hành trình tạo hình "gu Việt". Giải pháp đầu tiên được đưa ra là những doanh nghiệp nội thất nên bắt đầu bán chất xám đi kèm với sản phẩm, thay vì chỉ là các sản phẩm như trước đây.
Ông Lý Quí Trung, CEO của AKA Furniture Group, phân tích về IKEA - một trong những hãng bán đồ nội thất rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới hiện nay: Tuy chất lượng của sản phẩm IKEA không xuất sắc nhất, nhưng thứ họ bán không chỉ là những sản phẩm nội thất, mà bán cả gu, cả phong cách của mình cho khách hàng bằng cách đưa ra các không gian trưng bày đẹp mắt, hợp thị hiếu người tiêu dùng ngay tại cửa hàng.
"Đó chính là bí quyết giúp họ thành công lớn tại các thị trường như Thái Lan và Trung Quốc. Để có thể ứng dụng mô hình kinh doanh này, IKEA đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu cũng như gu thẩm mỹ của từng thị trường, từ đó có sự cân chỉnh tương xứng," ông Trung nói và cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình kinh doanh này.
Giải pháp thứ hai là củng cố đội ngũ thiết kế trong nước, không chỉ về chuyên môn mà còn khuyến khích họ bay cao với những ý tưởng sáng tạo. Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch HAWA cho rằng: "Sự xuất hiện của những cộng đồng thiết kế có ý nghĩa rất lớn với ngành, bởi khi những người làm thiết kế tập hợp lại sẽ kích thích những ý tưởng mới."
Hiện tại ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều tổ chức và cộng đồng các nhà thiết kế, đồng thời các triển lãm nội thất đã dần trở nên phổ biến hơn nhưng tính chuyên nghiệp và hệ thống của chúng vẫn chưa thực sự đáng kể. Ông Phương chia sẻ đó cũng chính là một trong những động lực thúc đẩy HAWA tổ chức triển lãm sáng tạo nội thất VIFA GU 2019 lần này: "Tất nhiên, một triển lãm không thể làm thay đổi cục diện của một ngành, nhưng khi xây dựng nên VIFA GU, chúng tôi hy vọng làm cánh én đầu tiên khởi xướng cho mùa xuân sáng tạo ở phía trước."
Nhận xét
Đăng nhận xét