Đứng đầu về xuất khẩu dăm gỗ ra thế giới, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp ngành dăm gỗ Việt gặp không ít lao đao.
TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) cho biết, hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dăm lớn nhất thế giới, chiếm trên dưới 30% tổng cung dăm toàn cầu và nguồn cung có xu hướng ngày càng tăng. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với lượng nhập hàng năm lên tới 60-70% tổng lượng dăm của Việt Nam xuất khẩu đi tất cả các thị trường.
vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Dăm gỗ Việt vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Lao đao vì thị trường Trung Quốc
Tuy nhiên, chính việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, và để chị trường này chi phối quá nhiều khiến ngành dăm gỗ Việt đối mặt với nhiều rủi ro. Và thực tế, những năm gần đây, hầu như năm nào Trung Quốc cũng “dở trò” khiến các doanh nghiệp và người dân trồng rừng Việt Nam "dở khóc dở mếu".
Năm 2016, gỗ rừng trồng liên tục rớt giá do Trung Quốc ngừng thu mua, nhiều doanh nghiệp tại Bình Định không xuất khẩu được mặt hàng dăm gỗ trong một thời gian dài.
Đến nửa cuối tháng 10 năm 2017, Trung Quốc đã ngừng thu mua dăm gỗ nên nhiều doanh nghiệp tại Bình Định tiếp tục chấp nhận dừng việc sản xuất, thu mua gỗ nguyên liệu. Điều này, khiến gỗ rừng trồng tại địa phương lại liên tục rớt giá thảm hại.
Theo ông Võ Vạn Toàn - Phó giám đốc Công ty TNHH Sông Kôn (doanh nghiệp chuyên sản xuất dăm gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn), chỉ trong một tháng Trung Quốc ngừng thu mua, Công ty tồn 8.000 tấn dăm khô, không còn chỗ chứa nên đành phải ngưng sản xuất. Cùng tình trạng của công ty Sông Kôn, nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu trên địa bàn Bình Định khi đó cũng ứ đầy hàng trong kho, đành chấp nhận dừng việc thu mua gỗ nguyên liệu, nhà máy có công suất lớn, tồn kho đến 60.000 – 70.000 tấn dăm khô/ nhà máy.
Mới đây, ngày 17/7/2019, nhiều chủ doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ ở Quảng Ngãi cũng đã phải “kêu cứu” khi thời gian qua bị ứ đọng hàng trong kho không thể xuất khẩu do Trung Quốc ngừng thu mua.
Không chỉ khó khăn trong xuất khẩu, mấy tháng gần đây sự xuất hiện của các trạm thu mua tự phát tại các huyện miền núi Quảng Ngãi, với nhiều thủ đoạn không lành mạnh để giành mua gỗ keo chở đi nơi khác bán đang khiến các nhà máy chế biến dăm gỗ các địa phương này khó càng thêm khó.
Cần sự liên kết của các doanh nghiệp ngành dăm gỗ
Ông Mai Thế Vinh, Giám đốc nhà máy chế biến lâm sản và dăm gỗ nguyên liệu giấy Nhất Hưng Sơn Hà, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) chia sẻ: Ngoài vấn đề khó khăn trong xuất khẩu thì tình trạng cạnh tranh giữa các chủ cơ sở chế biến theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé" làm cho việc tiêu thụ dăm gỗ đã khó càng thêm khó.
Rất nhiều doanh nghiệp ngành dăm có kiến nghị rằng, các đơn vị lớn của Viêt Nam và thực sự là các doanh nghiệp Việt Nam chứ không phải các đơn vị ngoại núp bóng cần phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau để đàm phán về giá cả, thị trường. Không thể để ngành dăm việt cứ “đến hẹn” khủng hoảng lại mỗi ông chạy một đường và ông nào cũng bán phá giá.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng mong muốn rằng các tỉnh có thế mạnh xuất khẩu gỗ dăm cần thành lập những tổ chức, hiệp hội cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp. “Nếu để như hiện nay mạnh ai người đó xoay sở không sớm thì muộn cũng sẽ thiệt thòi”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Trong khi đó, TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) cũng đánh giá: tính liên kết giữa các doanh nghiệp dăm của Việt Nam còn lỏng lẻo khiến ngành dăm gỗ Việt Nam
TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends): tính liên kết giữa các doanh nghiệp dăm của Việt Nam còn lỏng lẻo
Chính Hiệp hội Gỗ lâm sản cũng cho rằng: Tính liên kết giữa các doanh nghiệp dăm của Việt Nam lỏng lẻo. Trừ khu vực Quảng Ngãi có hiệp hội dăm, hiện chưa có tổ chức nào đại diện cho ngành dăm trong cả nước.
Với các hạn chế này, ngành dăm Việt Nam mặc dù cung một lượng lớn nhất cho thế giới, nhưng ngành tham gia thị trường thế giới với vị thế bị động chứ chưa phải chủ động.
Trong khi đó, TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) cũng đánh giá: tính liên kết giữa các doanh nghiệp dăm của Việt Nam còn lỏng lẻo khiến ngành dăm gỗ Việt Nam dù cung một lượng lớn nhất cho thế giới nhưng vẫn tham gia thị trường thế giới với vị thế bị động chứ chưa phải chủ động.
Vì vậy, "với quy mô của ngành dăm gỗ như hiện nay, việc thành lập Hiệp hội dăm gỗ của Việt Nam là điều cần thiết để kết nối các doanh nghiệp, đảm bảo cân bằng lợi ích, giảm thiểu phát triển nóng và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành. Hiệp hội cũng cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, với chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu; kiểm soát chất lượng dăm xuất khẩu, nhằm duy trì thương hiệu nhằm nâng cao hình ảnh, xác định vị thế của ngành trên trường quốc tế” - ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bảo Loan
Nhận xét
Đăng nhận xét