Lý giải về việc sản phẩm gỗ trong nước vẫn chưa được nhiều thị trường biết đến, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, câu chuyện thương hiệu hiện là vấn đề rất lớn đối với doanh nghiệp Việt...
Thưa ông, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì ngành gỗ trong nước sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
- Tôi cho rằng các doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp cận được điều kiện thông tin, công nghệ, tiếp cận được trình độ phát triển, tiếp cận được cả dòng thuế từ EU. Quan trọng nữa, doanh nghiệp trong nước rất hào hứng sẽ học được trình độ quản trị kinh doanh, kỹ năng lao động và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp từ thị trường EU.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, thách thức có rất nhiều. Ví dụ năm 2018, ngành gỗ trong nước tiêu dùng khoảng 42 triệu m3 gỗ, trong đó gỗ nhập khẩu là 12 triệu m3 và trong nước là 30 triệu m3. Nguồn nguyên liệu 30 triệu m3 trước đây chúng ta có rất nhiều nguồn khác nhau, nhưng nếu xuất sang EU thì 100% phải là gỗ hợp pháp.
Trong Hiệp định EVFTA đã quy định rõ, hợp pháp là vận chuyển gỗ hợp pháp, khai thác gỗ hợp pháp, chế biến gỗ hợp pháp, xuất khẩu hợp pháp… Vậy chúng ta dùng nguồn gỗ hợp pháp này ở đâu? Đương nhiên chúng ta nhập khẩu gỗ thì rất dễ, nhưng nguồn trong nước thì có đảm bảo đủ nguồn gỗ hợp pháp hay không? Đây là thách thức với chúng tôi.
Cụ thể, với 30 triệu m3 gỗ trong nước, trong đó có 20 triệu khối gỗ rừng trồng, 4 triệu là gỗ cao su, gỗ khai thác vườn nhà… Vậy gỗ rừng trồng có đủ chứng chỉ và đảm bảo hợp pháp không?
Hiện cả nước ta có khoảng 4,5 triệu hec ta rừng trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến năm 2020 chúng ta sẽ có 1 triệu hec ta rừng trồng, 2 năm sau sẽ có 2-3 triệu hec ta. Nếu chúng ta không đảm bảo số lượng gỗ rừng trồng thì sẽ không đảm bảo được công suất.
Thứ hai nữa là vấn đề công nghệ. Ở đây chúng tôi đánh giá rất cao công nghệ. Anh muốn vào các nước tiên tiến, trình độ tiêu dùng của EU rất cao, chất lượng đảm bảo, vậy làm thế nào để sản phẩm của chúng ta có chất lượng tốt, cạnh tranh với thị trường EU.
Nhiều chuyên gia cho rằng, năng lực cạnh tranh của chúng ta rất thấp. Vậy muốn cạnh tranh chúng ta phải thay đổi công nghệ. Thứ nữa là phải đổi mới thiết bị. Cuối cùng là phải có nguồn nhân lực tốt.
Ví dụ, hiện cả nước có rất nhiều trường đại học, nhưng không hề có trường đào tạo công nhân lành nghề kỹ thuật gỗ. Đây là thách thức rất lớn. Anh muốn có thiết bị mới thì anh phải có công nhân vận hành.
Và thách thức quan trọng nữa là nội lực của doanh nghiệp. Anh mở cửa rồi, các hiệp định đã được ký kết rồi thì anh phải nâng cao trình độ. Muốn nâng cao trình độ thì phải học tập nhiều và phải có ý chí…
Nhưng câu chuyện thương hiệu của ngành gỗ ra sao, thưa ông?
- Thương hiệu hiện là vấn đề rất lớn. Chúng tôi vẫn nói rằng ngành gỗ của chúng ta hiện có 2 thứ rất yếu. Thứ nhất là thiết kế, và thứ hai là thương hiệu. Chúng ta chưa thể tự thiết kế sản phẩm mà vẫn làm theo mẫu mã của người ta. Và khi chưa có thiết kế thì chúng ta chưa thể có thương hiệu.
Tôi là Ủy viên Hội đồng thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Từ năm 2003 đến nay (15 năm) mới có 3 doanh nghiệp Việt Nam được cấp thương hiệu quốc gia. Nhưng thực sự thì rất khó tồn tại. Vì gốc của nó là thiết kế. Khi có thiết kế rồi thì mới có thương hiệu. Muốn có thương hiệu thì phải có đại lý bán ở nước ngoài. Nhưng hiện nay chúng ta chưa có đại lý bán tại nước ngoài. Chúng ta chỉ bán cho doanh nghiệp nước ngoài mua tại Việt Nam.
Vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt có thể vươn ra được thị trường EU và thế giới?
- Hiện chúng tôi đang có 2 dự án mời các chuyên gia đến cùng với trường Đại học Lâm nghiệp và các trường Đại học Huế, Đại học Thủ Đức, TP.HCM giúp doanh nghiệp thiết kế Việt Nam nâng cao trình độ thiết kế.
Làm việc này không thể ngày một ngày hai, mà cần có thời gian. Chúng tôi hy vọng năm 2021, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ có phòng thiết kế riêng. Ví dụ một công ty ở Long An, hiện nay đã có phòng thiết kế và đang tiếp tục nhân rộng. Và thiết kế này phải để thị trường chấp nhận được là không hề đơn giản.
Khi có thiết kế rồi thì phải thực hiện việc chào hàng. Nếu công ty nước ngoài chấp nhận những thiết kế đó thì chúng ta sẽ có thương hiệu.
Khi có thương hiệu rồi thì ta tiếp tục mở đại lý ở quốc gia của họ. Nhưng việc mở đại lý không hề đơn giản. Tôi lấy ví dụ công ty Đức Thành ở TP.HCM mở đại lý 10 năm ở nước ngoài phải đóng cửa vì không cạnh tranh được.
Nhưng tôi cũng khẳng định, tuy khó nhưng doanh nghiệp của ta vẫn làm được. Hiện có 3 doanh nghiệp đã sang nước ngoài và đang tìm đối tác, đặt đại lý bên đó... Chúng ta sẽ đi từng bước và tôi tin là sẽ thành công.
Xin cảm ơn ông.
Nhận xét
Đăng nhận xét