Vừa mở rộng nhà máy vừa xây mới xưởng sản xuất khiến nhu cầu trang bị thêm máy móc của doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ Việt Nam tăng mạnh trong ba năm trở lại đây. Với tỉ lệ tăng trưởng thiết bị của DN bình quân lên đến 18%/năm, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành chế tạo máy thế giới.
Tăng lượng lẫn chất
Cuối năm 2018, Scansia Pacific bắt đầu mở rộng đầu tư với số vốn lên tới vài triệu USD. Tương tự, Công ty CP Kiến trúc xây dựng AA cũng nhập về một dây chuyền máy chế biến gỗ có giá lên tới hơn 1 triệu USD nhằm đáp ứng các đơn hàng mang tính công nghiệp cao. Công ty Hố Nai vừa xây xưởng mới, vừa trang bị thêm những dây chuyền máy hiện đại. “Đây chỉ là những cái tên tiêu biểu, nhu cầu mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ ngành chế biến gỗ tăng rất cao trong thời gian qua”, ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc công nghệ Công ty Hồng Ký nhận xét.
Theo số liệu nghiên cứu thị trường từ công ty chế tạo máy này, kể từ năm 2018, do nhiều đơn đặt hàng đồ gỗ xuất khẩu được chuyển dịch từ Trung Quốc về Việt Nam dẫn đến nhu cầu mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc thiết bị phục vụ cho sự tăng trưởng của các xưởng gỗ. Bên cạnh đó, khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang đầu tư mạnh vào thành lập xưởng gỗ mới ở Việt Nam.
Hai làn sóng vừa mở rộng xưởng vừa xây mới xưởng khiến nhu cầu trang bị thêm máy móc tăng mạnh trong ba năm trở lại đây, tương ứng với tỉ lệ tăng trưởng bình quân 18%. “Đặc biệt, nhu cầu sử dụng máy gỗ quý I/ 2109 đã tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018”, ông Toàn tiết lộ. Nhu cầu tăng giúp doanh thu trong mảng máy chế biến gỗ Hồng Ký năm 2018 tăng 20% so với 2017 và dự kiến tăng 40% trong năm 2019.
Không chỉ tăng về lượng, hệ thống máy chế biến gỗ tại Việt Nam đang tăng trưởng cả về chất, do mức độ ứng dụng máy móc công nghệ cao khá phổ biến. Ông Cao Duy Tâm, Giám đốc Công ty nhập khẩu, phân phối máy móc Vecta cho biết, cho đến nay, “đề bài” của DN trong ngành vẫn là nâng cao khả năng tự động hoá, năng suất hoá trên tất cả các thiết bị. Ông Tâm khẳng định: “Trong bối cảnh hiện nay, đơn hàng nhiều và mức độ cạnh tranh lớn, việc trang bị máy móc không còn là chuyện thích hay đón đầu công nghệ mà đã là yếu tố để DN có thể tồn tại hay không tồn tại”.
Đồng quan điểm, ông Steven Chen - quản lý dự án của Công ty Yorkers, đơn vị chuyên tổ chức các hội chợ triển lãm quốc tế cho biết, nhờ chính sách phát triển ngành từ phía nhà nước, ngành công nghiệp mỹ nghệ và chế biến gỗ Việt Nam đã duy trì sự tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây với những thành tích ấn tượng, giữ vững vai trò nhà sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới và lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Với nhu cầu ngày một tăng tại thị trường Mỹ cùng phía trước là thực thi hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… trong tương lai, các đơn hàng cho các nhà xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tăng mạnh. Vì điều này, Việt Nam được xem là thị trường có tiềm năng lớn cho các loại máy móc và thiết bị chế biến gỗ.
Thu hút nhiều “tay chơi”
Theo ông Steven Chen, rất nhiều DN các nước đang muốn đem máy móc sang kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Nếu như 12 năm trước, giai đoạn đầu của VietnamWood, triển lãm máy móc thiết và công nghệ nhằm mở rộng ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam, 80% không gian triển lãm đến từ các DN Đài Loan thì nay, cơ cấu DN tham gia triển lãm đã khác.
Người đại diện của thương hiệu tổ chức triển lãm chuyên nghiệp này khẳng định, những năm gần đây, VietnamWood đã thu hút các DN đến từ Ý, Đức, Áo, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ… Đây đều là các quốc gia xuất khẩu máy móc chế biến gỗ hàng đầu thế giới. Sự tham gia của các DN này giúp VietnamWood trở thành tâm điểm cho khách tham quan chuyên ngành. Đồng thời cho thấy thị trường Việt Nam đang vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt, VietnamWood 2019, diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21/9 tại SECC, TP.HCM đạt 2 kỷ lục về diện tích trưng bày lên đến hơn 25.000 mét vuông và 483 đơn vị, thương hiệu đến từ hơn 30 quốc gia, khu vực tham gia. Ban tổ chức hội chợ này đang kỳ vọng sự kiện sẽ thu hút hơn 12.000 lượt khách tham quan.
“Đây là thời điểm chín muồi về mặt đầu tư bởi hai yếu tố để thoả mãn. Thứ nhất, là khả năng tài chính của DN, đã đạt đến mức cần thiết vì đơn hàng đổ về nhiều, các dịch vụ tài chính hỗ trợ tối đa. Mặt còn lại, công nghệ chế biến gỗ đã đạt đến đỉnh cao, các chuyền thiết bị sản xuất, chế biến gỗ nay có độ chính xác cực cao, công năng đa dạng, giải quyết được nhu cầu tiết kiệm nhân lực cho DN”, ông Cao Duy Tâm nhận xét.
Không chỉ kỹ thuật chính xác CNC, các công nghệ mới như Robot, AI, Big Data, Cloud… cũng đang ứng dụng ngày một nhiều hơn vào các lĩnh vực khác. Đơn cử, máy móc chế biến gỗ tích hợp hệ thống giám sát sản xuất để giảm thiểu sai sót, robot kết hợp với dây chuyền sản xuất thông minh giúp khách hàng nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm lãng phí tài nguyên và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu cưa xẻ nguyên liệu, chế biến đến thành phẩm. Có công nghệ, có tài chính, làn sóng trang bị máy móc hứa hẹn câu chuyện ngành chế biến gỗ Việt Nam trong tương lai sẽ tiếp tục ghi dấu ấn.
“Trong 10 năm tới, các nhà máy sản xuất đồ nội thất tại Việt Nam sẽ không di dời đi nơi khác. So sánh với các nước lân cận, nhân công của Thái Lan rất cao, gấp đôi so với Việt Nam. Indonesia thì là quốc gia Hồi giáo và bất lợi hơn khi xuất khẩu sang châu Âu và Hoa Kỳ. Myanmar có vấn đề về năng suất thấp và chất lượng lao động kém. Vì vậy Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò là trung tâm sản xuất đồ nội thất lớn nhất thế giới”, ông Steven khẳng định.
Nhận xét
Đăng nhận xét