Thông qua thỏa thuận vừa ký kết sáng 30/10/2019 tại Hà Nội, Công ty Sequal Holdings Ltd của New Zealand sẽ cung cấp gỗ thông Radiata cho Nhà máy của VinaFor Sài Gòn theo từng yêu cầu cụ thể, chủ động nguyên liệu chế tác đồ gỗ nội thất xuất khẩu.
Sáng 30/10/2019, tại Hà Nội, ngài Grant Robertson, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Bộ trưởng Bộ Thể thao và Giải trí New Zealand đã chứng kiến lễ ký bản Thỏa thuận phân phối giữa Công ty Sequal Holdings Ltd, của New Zealand và Công ty CP VinaFor Sài Gòn.
Thông qua thỏa thuận này, Công ty Sequal Holdings Ltd của New Zealand sẽ cung cấp gỗ thông Radiata cho Nhà máy của VinaFor theo từng yêu cầu cụ thể, giúp giảm thiểu hao hụt và chi phí lưu kho.
Gỗ thông Radiata xuất xứ từ New Zealand là một loại gỗ được trồng và khai thác một cách bền vững. Loại gỗ này rất linh hoạt, có tính ứng dụng đa dạng, phù hợp cho sản xuất giấy, vật liệu xây dựng, ốp tường, ốp sàn hoặc chế tác khung gỗ dùng trong đồ nội thất.
Bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho biết, thỏa thuận này càng khẳng định tiềm năng xuất khẩu gỗ thông Radiata của Sequal Holdings Ltd và các công ty gỗ khác tại New Zealand vào thị trường Việt Nam.
Lâm nghiệp là một ngành quan trọng tại New Zealand, đóng góp lớn cho quan hệ thương mại với Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ thông từ New Zealand sang Việt Nam đạt 80 triệu USD New Zealand, góp phần giúp cho lâm nghiệp trở thành ngành xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của quốc gia này.
Bởi vậy, thỏa thuận hợp tác được ký kết với VinaFor đã kết hợp thành công gỗ thông Radiata cùng tay nghề chế tác của Việt Nam tạo ra những sản phẩm nội thất mang tính bền vững và chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tốt hơn”, bà Wendy Matthews nhấn mạnh.
Ông Rhys Arrownsmith, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị khu vực châu Á, Công ty Sequal Holdings Ltd cho biết, nền tảng của thỏa thuận là liên tục thay đổi để đáp ứng yêu cầu của khách hàng bằng cách tiếp nhận thách thức, thay đổi mô hình cung cấp và mô hình khách hàng truyền thống để 2 đối tác cùng nhau phối hợp đáp ứng mục tiêu xuất khẩu đầy tham vọng của ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt Nam trong những năm tới.
Lãnh đạo Sequal Holdings Ltd khẳng định cam kết cung cấp gỗ thông Radiata chất lượng cao cho Việt Nam, thỏa thuận này cũng đánh dấu mốc quan trọng khi chúng tôi cung cấp 100% gỗ thông đạt chứng nhận bảo vệ rừng FSC, cùng với doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong dài hạn.
Trao đổi với Baodautu.vn tại lễ ký kết, ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty VinaFor Sài Gòn chia sẻ, VinaFor đã nhập gỗ thông Radiata, New Zealand từ năm 2001. Sau 19 năm, loại gỗ này chính là nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững cho các nhà xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Từ thỏa thuận hợp tác này, VinaFor Sài Gòn sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp gỗ để nâng cao nhận thức về nguồn gỗ hợp pháp, từ đó nắm bắt các cơ hội thị trường mà Hiệp định CPTPP mà New Zealand là 1 thành viên sẽ mang lại.
Không đơn thuần nhập gỗ thông Radiata phục vụ cho nhà máy của VinaFor Sài Gòn, ông Ngời cho biết, mục tiêu của Công ty là đưa gỗ thông Radiata của New Zealand cung cấp cho nhiều nhà máy chế biến trong ngành gỗ, tăng cường chuỗi liên kết trong ngành xuất khẩu tỷ USD này.
Việt Nam dự kiến trở thành nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn thứ 2 thế giới trong 7 - 8 năm tới. New Zealand cũng là đối tác lớn nhất về nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam. 9 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gỗ sang New Zealand đạt 5 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Thỏa thuận hợp tác ngành gỗ vừa được ký kỳ vọng thúc đẩy thương mại gỗ với thị trường New Zealand tăng nhanh trong những năm tới.
Năm 2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với kim ngạch đạt gần 9 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2017, là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng chiếm 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính riêng mặt hàng sản phẩm gỗ và đồ gỗ chế biến, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,5%, chiếm tỷ trọng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
Lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kì năm 2018.
Dù vậy, ngành gỗ Việt Nam vẫn còn một khoảng trống về nguyên liệu gỗ, hàng năm vẫn phải nhập khẩu hàng tỷ USD gỗ nguyên liệu. Số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam năm 2018 đạt 2,34 tỷ USD, tăng 7,6% so với 2017.
Nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho ngành ngành sản xuất, chế biến gỗ (xuất khẩu và cả tiêu thụ nội địa) tiếp tục tăng lên trongnhững năm qua, đến năm 2020 dự kiến sẽ là 40 triệu m3.
Nhận xét
Đăng nhận xét