(ĐTCK) Với quy mô thị trường lên tới khoảng 4 tỷ USD (năm 2018), nhưng doanh nghiệp sản xuất gỗ Việt Nam lại đang nhường sân nhà cho doanh nghiệp ngoại vì còn mải mê với thị trường bên ngoài.
Cần chính sách để ngành gỗ lấy lại lợi thế sân nhà
Nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ đã bắt đầu quan tâm tới thị trường nội địa
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhờ có các chính sách khuyến khích cho xuất khẩu, nên ngành gỗ Việt đã đạt được những kết quả vượt bậc trong thời gian qua. Từ chỗ chỉ xuất khẩu 219 triệu USD (năm 2000), đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dự kiến đạt 11 tỷ USD tăng gấp 50 lần, chưa có ngành nào tăng đột biến như vậy.
Cũng theo Hiệp hội, hiện nay, cả nước có 5.300 doanh nghiệp gỗ, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm đến 96%, chưa kể 27.000 cơ sở nhỏ và hộ gia đình. Hiện nay, cả nước có 5 triệu ha rừng trồng, trong đó phía Bắc (tính từ Hà Tĩnh trở ra) chiếm 60%, riêng vùng Đông Bắc hiện chiếm 1,5 triệu ha rừng cực tốt.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, có một nghịch lý, trong khi gỗ rừng trồng rất nhiều, trung bình khai thác 10 - 15 triệu m3/năm, thì chế biến gỗ lại không phát triển ở miền Bắc, mà chỉ phát triển ở miền Trung, từ Bình Định trở vào đến miền Đông Nam Bộ. Trong tổng số 5.300 doanh nghiệp gỗ, miền Bắc chỉ khoảng 800 doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, quy mô tiêu thụ đồ gỗ trong nước năm 2018 có giá trị khoảng 4 tỷ USD, tăng trưởng 40% so với năm 2017. Con số này cho thấy quy mô và tiềm năng rất lớn của thị trường hơn 96 triệu dân. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp gỗ trong nước lại bỏ quên sân nhà, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại khai thác và chiếm lĩnh thị trường.
“Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 9,4 tỷ USD, trong khi các doanh nghiệp tiêu thụ trong nước chưa đầy 2 tỷ USD. Năm 2019, khả năng kim ngạch xuất khẩu đạt mục tiêu 11 tỷ USD, nhưng mức tiêu thụ tại thị trường nội địa của các doanh nghiệp cũng chỉ hơn 2 tỷ USD. Với thị trường 96 triệu dân, giá trị khoảng 4 tỷ USD, nhưng tại sao các doanh nghiệp lại tiêu thụ nội địa kém như vậy”, ông Quyền băn khoăn.
Theo ông Quyền, nguyên nhân được cho là mọi chính sách về ngành gỗ đều hướng đến xuất khẩu. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu nguyên liệu và xuất đi đối với doanh nghiệp xuất khẩu bằng không. Trong khi doanh nghiệp phân phối ở thị trường nội địa phải chịu nhiều thứ thuế khác nhau, dẫn đến không khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa. Mặt khác, thị hiếu tiêu dùng của người Việt vẫn sính đồ ngoại, nên không mặn mà mấy với đồ gỗ nội địa.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện thương hiệu gỗ An Cường cho biết, điểm yếu của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam là kém về công nghệ kỹ thuật. Chúng ta có nguồn nguyên liệu tốt, thị trường nhiều tiềm năng, nhưng chưa tận dụng được lợi thế này. Mặt khác, về thiết kế, sáng tạo, các doanh nghiệp Việt còn bị động, chủ yếu là sản xuất theo đơn hàng từ nước ngoài đặt.
“Chính vì vậy, các doanh nghiệp gỗ Việt đã đánh mất thị trường trong nước vào tay các doanh nghiệp ngoại. Tiềm năng tiêu thụ gỗ nội địa rất lớn, hãy tưởng tưởng 25 triệu hộ dân hiện nay, nếu mỗi hộ chỉ cần 1 cái bàn, thì đã tiêu thụ được bao nhiêu, chưa kể với mỗi tòa nhà khách sạn, bình quân họ tiêu thụ 30 triệu m3/năm”, ông Quyền so sánh.
Trước thực trạng này, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam đã nhiều lần đề xuất với các cấp, bộ, ngành liên quan cần quan tâm, xây dựng chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nội lấy lại thị phần ở thị trường nội địa.
Điều đáng mừng, theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong khoảng 4 năm trở lại đây, các doanh nghiệp gỗ, đặc biệt là doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Woodsland, Công ty cổ phần gỗ Nam Định… đã có tư duy khác, nhìn nhận ra vấn đề và đã “đi bằng 2 chân” tức là vừa xuất khẩu, vừa cung cấp nội địa.
“Các doanh nghiệp có tiềm lực đã nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về chế thành phẩm để bán trong nước. Các doanh nghiệp đã liên kết lại với nhau trong sản xuất, hỗ trợ về công nghệ… Tuy nhiên, con số này mới chiếm khoảng 15% các doanh nghiệp và để phát triển thị trường nội địa, vẫn cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, về mặt bằng, về thuê đất, thuế… Có như vậy, ngành gỗ mới lấy lại lợi thế sân nhà và phát triển bền vững hơn”, ông Quyền nhấn mạnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét