Những thương hiệu nổi tiếng trong ngành gỗ Chi-lê như: Asun, Bagaro, Forestal LV, Kimwood, Pacific Forest… đồng loạt sang Việt Nam tìm kiếm đối tác.
Đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững
Nhu cầu tiêu thụ gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất các đơn hàng xuất khẩu đang biến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn trong mắt các đơn vị cung ứng đến từ Nam Mỹ.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan trong 9 tháng đầu 2019, Việt Nam nhập khẩu 1,9 tỷ USD gỗ nguyên liệu, tương đương với 80,3% kim ngạch nhập khẩu của cả năm 2018, bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ và ván các loại. Theo TS. Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, đơn hàng tăng mạnh chính là nguyên nhân nhu cầu nguyên liệu ngành chế biến gỗ Việt Nam tăng đột biến trong thời gian qua.
Nguồn cung gỗ nguyên liệu truyền thống cho doanh nghiệp Việt Nam là Mỹ, châu Âu... Thời gian gần đây, để đáp ứng cho sự đa dạng về chủng loại, những đơn vị cung ứng nguyên liệu đến từ những thị trường mới như Chi-lê, New Zealand… tăng đáng kể, trong đó, nổi bật là Chi-lê.
Thống kê từ Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại Chi-lê tại Việt Nam (ProChile Vietnam) cho thấy, tổng kim ngạch trao đổi song phương từ năm 2014 đến nay tăng đều, trung bình ước tính khoảng 6%/năm. Riêng gỗ nguyên liệu, trong năm 2018, Việt Nam nhập khẩu từ Chi-lê hơn 87 triệu USD gỗ thông, gấp đôi so với 4 năm trước đó.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng đại diện thương mại ProChile Vietnam cho biết, doanh nghiệp chế biến Việt Nam có xu hướng lựa chọn gỗ Chi-lê bởi nguồn nguyên liệu này đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nhà sản xuất trong nước. Gỗ thông Chi-lê được đánh giá là có chất lượng cao vì đảm bảo được độ cứng, bám đinh, ốc vít và sơn rất tốt. Chất lượng gỗ đồng đều, đẹp với màu gỗ sáng, bắt mắt. Ngoài ra, thông Chi-lê mùi đặc trưng, có khả năng kháng sâu tự nhiên, là khắc tinh của mối mọt, thường được ứng dụng làm đồ chơi, vật dụng trong nhà, giường cho trẻ em…
Gỗ thông Chi-lê đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng vì ngoài chất lượng tốt, hình thức vân gỗ đẹp, mặt gỗ lớn thì giá gỗ nhập khẩu còn rất cạnh tranh. Vì lẽ đó, nguyên liệu này được lòng hầu hết nhà máy, xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất. Điều quan trọng là, ngoài chất lượng, tính thẩm mỹ, gỗ Chi-lê còn đảm bảo được tính bền vững cho ngành.
Trong số 2,4 triệu ha rừng đang được trồng tại Chi-lê, có khoảng 1,6 triệu ha có chứng chỉ FSC hoặc Certfor/PEFC, tương đương 70% diện tích. Tổng số, có 104 doanh nghiệp có chứng nhận truy nguyên xuất xứ sản phẩm. Đây chính là nền tảng thuận lợi nhất cho hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi, hầu hết sản phẩm chế biến gỗ Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường các nước đều đòi hỏi các chứng chỉ bền vững này.
Tiềm năng rất lớn
Gỗ nguyên liệu Chi-lê đang được thị trường thế giới đón nhận khá tích cực. Năm 2018, Chi-lê xuất khẩu hơn 6,8 tỷ USD hàng lâm sản ra thị trường nước ngoài, trong đó, 2,7 tỷ USD là gỗ thông Radiata. Tám tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Chi-lê sang thị trường của 120 nước trên thế giới đã đạt giá trị 4 tỷ USD. Các sản phẩm chính của ngành lâm nghiệp Chi-lê gồm: bột giấy, ván ép, gỗ xẻ, dăm gỗ, giấy báo… với giá rất cạnh tranh trên thị trường thế giới. Mỗi năm ngành gỗ đóng góp khoảng 3% tổng thu nhập quốc nội.
Thành quả này có được là nhờ chính sách phát triển lâm nghiệp khá tiến bộ của Chi-lê. Trong đó, Chính phủ xem lâm nghiệp là một trong những ngành được quan tâm, tạo điều kiện để triển bền vững, đảm bảo bảo vệ môi trường và ổn định kinh tế xã hội. Hiện, Chi-lê có hơn 17 triệu ha đất trồng rừng, (chiếm 22,9% diện tích lãnh thổ), trong đó 86% là rừng nguyên sinh, khoảng 14,6 triệu ha. Diện tích đất trồng rừng công nghiệp là 2,4 triệu ha (chiếm 4% diện tích lãnh thổ), chủ yếu bao gồm thông Radiata, 1,4 triệu ha và bạch đàn (Globulus và Nitens), khoảng 1 triệu ha. Theo tính toán, mỗi năm Chi-lê đạt năng suất khai thác khoảng 46 triệu m3 gỗ, tương đương 98% từ nguồn rừng trồng công nghiệp.
Nằm trong danh sách 20 đối tác thương mại hàng đầu của Chi-lê, Việt Nam đang dần trở thành quốc gia nhập khẩu lâm sảm nhiều nhất trong khối ASEAN từ đất nước này, với mức tăng lên đến 12% mỗi năm. Tuy nhiên, con số này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng.
“Tuy đang chiếm vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế, ngành lâm nghiệp Chi-lê vẫn không ngừng tìm kiếm thị trường mới với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong đó, Việt Nam được xem là điểm đến tiềm năng của ngành. Do vậy, các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai quốc gia sẽ được chú trọng hơn trong thời gian tới, tạo điều kiện cho cán cân thương mại Việt Nam – Chi-lê được cân bằng”, ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng đại diện thương mại ProChile Vietnam chia sẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét