Trong tháng 11, sản xuất lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào khai thác gỗ và trồng rừng vụ mùa. Tính chung 11 tháng, diện tích rừng trồng tập trung đạt 202.800 ha. Diện tích rừng được chăm sóc 536.800 ha, đã tăng 15,0% so với cùng kỳ 2018.
Tháng cuối năm các đơn hàng gỗ tăng mạnh về sản lượng và giá trị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết số lượng trồng cây phân tán đạt 53,8 triệu cây, tăng 5,7%. Đặc biệt, sản lượng gỗ khai thác ước đạt trên 14,5 triệu m3, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái .Ước cả năm tỉ lệ che phủ rừng 41,85%; trồng rừng tập trung đạt 272.000 ha; sản lượng gỗ khai thác 16 triệu m3 , tăng 4,8%...
Tháng 11 diện tích rừng bị thiệt hại là 32 ha, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước (bị cháy là 3 ha; bị phá là 29 ha). Lũy kế 11 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 2.491 ha, gấp hơn 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, rừng bị cháy là 1.954 ha, gấp 4,4 lần cùng kỳ năm trước, bị phá là 537 ha, giảm 6%.
Tính đến ngày 26/11, cả nước thu được 2.611 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 81,6% kế hoạch năm 2019, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2018.
Số liệu thống kê tháng 11 cho thấy vùng nguyên liệu sản xuất gỗ của Việt Nam ngày càng được đảm bảo và phát triển bền vững, đảm bảo đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, theo thông lệ hằng năm, những tháng cuối năm luôn là thời điểm các đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất về số lượng và giá trị. Đặc biệt, thống kê với những đơn hàng đã được ký kết thì trong hai tháng còn lại của năm 2019, mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2019 của ngành lâm nghiệp là 11 tỷ USD hoàn toàn khả thi và có thể đạt được.
Trước đó, ngày 17/6, Việt Nam chính thức là thành viên thứ 50 của Tổ chức Chứng nhận Tiêu chuẩn rừng PEFC. Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 249.000 ha trên địa bàn 22 tỉnh. Trong đó, riêng năm 2019, đến nay đã cấp được gần 23.000 ha thuộc địa bàn 9 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, trong đó Tuyên Quang là tỉnh có diện tích cấp chứng chỉ rừng lớn nhất, đạt trên 6.000 ha.
Sản xuất gỗ trong nước phần nào yên tâm vì tự chủ nguyên liệu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, trong thời gian tới ngành lâm nghiệp có nhiều cơ hội. Nhu cầu từ thị trường Mỹ với các mặt hàng gỗ từ các quốc gia khác trong đó có Việt Nam có thể sẽ tăng lên để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chủ yếu là sản phẩm đồ gỗ, có giá trị gia tăng cao, điều này tạo nên cơ hội chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỉ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỉ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ.
Việt Nam cũng có nhiều cơ hội đón nhận nguồn vốn đầu tư FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc do Việt Nam có các lợi thế về cơ chế, chính sách thông thoáng, nhân công giá rẻ, hệ thống giao thông, cảng biển nước sâu thuận lợi. Cùng với đó, Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản đã có hiệu lực từ tháng 6/2019 sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại gỗ và sản phẩm gỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản vào EU cũng như các thị trường khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét