Năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước hoàn thành mục tiêu 11 tỷ USD. Năm 2020, ngành gỗ trong nước được đánh giá sẽ đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) cần nỗ lực nhiều hơn.
Sản xuất đồ gỗ tại Công ty Minh Phát 2 (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY
Tiếp tục một năm thắng lợi
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2, cho biết năm 2019 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước hoàn thành mục tiêu 11 tỷ USD do Thủ tướng Chính phủ đặt hàng. Trong thời gian tới, ngành còn nhiều dư địa phát triển, với dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2020 có thể đạt từ 12 - 13 tỷ USD, năm 2025 đạt 20 tỷ USD.
Theo ông Hiệp, ngành nội thất đang nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, khi nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu gỗ vẫn “nằm” lại trong nước. Đây là lợi thế lớn nhất của ngành gỗ, bởi nhiều ngành khác có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng cũng tỷ lệ thuận với nguồn ngoại tệ lớn “chảy ngược” ra nước ngoài do còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Đây là thời điểm có nhiều cơ hội cho các DN gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Nguyên nhân là ngành gỗ trong nước đang có lợi thế cạnh tranh từ việc triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, điển hình như FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Đáng chú ý nữa, hiện nay nguồn nguyên liệu nhập khẩu để các DN trong nước chế biến gỗ chỉ chiếm 20%. Chủ động được nguồn cung giúp gia tăng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Điều quan trọng là các DN gỗ cần tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu, có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch.
Ông Trần Anh Vũ, Tổng Thư ký BIFA, cho hay trong nước hiện có nhiều DN gỗ quy mô, mạnh về xuất khẩu. Tại Bình Dương - địa phương có số lượng DN ngành gỗ lớn nhất cả nước, hiện DN gỗ trong nước chiếm 50% tổng kim ngạch xuất đồ gỗ, trước đây chỉ 10 - 20%. Điều này chứng tỏ, DN ngành gỗ trong nước đang phát triển mạnh, chú trọng đầu tư khâu thiết kế mẫu mã, trang thiết bị sản xuất, xây dựng thương hiệu… để sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về thị trường, ông Hiệp dự báo xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào thị trường Mỹ trong năm 2020 sẽ tăng trưởng mạnh, khoảng 30%. Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào các thị trường chủ lực khác cũng sẽ tăng khá.
Sớm giải quyết những vấn đề nội tại
Tuy đã giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bước đầu đã tạo được dấu ấn riêng cho các sản phẩm đồ gỗ Việt… tuy nhiên các DN gỗ trong nước đang phải đối mặt với tình trạng dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia khác vào Việt Nam, tạo sự tăng trưởng nóng trong ngành, dẫn đến thiếu hụt lao động, tăng giá thành sản phẩm và giảm chất lượng hàng xuất khẩu.
Theo ông Vũ, từ khi cuộc chiến thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ xảy ra, nhiều DN sản xuất đồ gỗ nội thất nước ngoài chuyển hướng phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Việc có dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn chảy vào ngành gỗ tại Việt Nam có cả hai mặt lợi và không lợi. Trước mắt có thể thấy, làn sóng đầu tư vào ngành gỗ của các DN nước ngoài sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng dự án và nguy cơ phải tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm các yêu cầu về môi trường. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh của ngành gỗ trong nước tăng khiến DN nhỏ khó phát triển.
Ông Vũ cho rằng bên cạnh đối mặt với tình trạng dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia khác vào Việt Nam, sự tăng trưởng nóng của từng DN trong ngành cũng khiến DN gặp không ít thách thức. Chẳng hạn, khi cơ hội thị trường mở rộng thì DN gỗ sẽ mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, dẫn tới phải thu hút thêm lao động. Khi một loạt DN cùng gia tăng quy mô trong thời gian ngắn thì vấn đề thiếu hụt lao động lại là nỗi lo lớn, khiến các DN trong ngành quay ra cạnh tranh với nhau trong thu hút nguồn lao động…
Để gia tăng lợi thế cạnh tranh, điều quan trọng DN ngành gỗ trong nước cần sớm giải quyết những vấn đề nội tại, từ việc gia tăng năng suất, tư duy lại sản xuất đến đầu tư công nghệ mới, thu hút nguồn lao động… để có thể đón nhận thêm nhiều đơn hàng mới.
Số liệu thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2019 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng 17 - 19%. Kết quả này có được là nhờ đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu tăng cao và ổn định. Cùng với đó, một số mặt hàng có giá xuất khẩu cao hơn năm trước như dăm gỗ 137 USD/tấn (tăng khoảng 10 USD/tấn so với năm 2018), đã đưa giá trị xuất khẩu mặt hàng này tăng hơn 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
TIỂU MY
Nhận xét
Đăng nhận xét