Năm 2018, khi doanh thu vượt mốc 1.500 tỉ đồng, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Woodsland, nhà chế biến gỗ hàng đầu ở Hà Nội, đã bắt đầu tính cách vượt thử thách cho năm tài chính mới. Bởi thương chiến Mỹ - Trung dù được dự đoán sẽ là động lực cho sự phát triển của ngành gỗ nhưng thực tế, không ít doanh nghiệp trong ngành phải đương đầu với khó khăn do thương chiến kéo dài.
Đơn hàng của ikea
Người viết gặp ông Vũ Hải Bằng tại Hà Nội. Những ngày này, đơn hàng nhiều do rơi vào thời điểm cuối năm. Cùng với hơn 2.600 cộng sự, người đứng đầu Woodsland đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu cả năm. Dù công việc bộn bề nhưng ông vẫn dành thời gian có mặt tại các hội thảo chuyên ngành. Theo ông, việc tham gia các tổ chức ngành nghề cũng là cách để doanh nghiệp gần nhau hơn, liên kết tạo nên sức mạnh chung.
“Thương chiến khiến nhiều doanh nghiệp ván công nghiệp Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh xuất xứ, gây ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp nội địa. Đã có những công ty phải dừng hoạt động vì cạnh tranh không hiệu quả. Làn sóng FDI ngành gỗ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây chính là lúc doanh nghiệp sát cánh, cùng nhau vượt khó”, ông Bằng mở đầu câu chuyện như vậy.
Tốt nghiệp chuyên ngành luật, bản thân ông Vũ Hải Bằng cũng không nghĩ, mình có thể gắn bó với ngành chế biến gỗ. Việc thành lập Woodsland cũng đơn thuần là một trong những thử nghiệm của ông, một người say mê với các sản phẩm từ gỗ. Cho đến một ngày, IKEA, nhà bán lẻ hàng nội thất lớn nhất thế giới, bước vào thị trường Việt Nam, nhìn thấy tiềm năng từ nguồn nhân lực và nguồn nguyên liệu keo dồi dào, tìm kiếm đơn vị cung ứng ở khu vực phía Bắc. “Đó là một cơ hội lớn”, ông Bằng nhớ lại.
Woodsland bắt đầu từ một xưởng nhỏ, định hướng sản xuất nội thất theo kiểu đo ni đóng giày, phục vụ thị trường trong nước. Vì thế, những yêu cầu của IKEA trong việc tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng lẫn tiết giảm chi phí tối đa khiến ông cùng những cộng sự hụt hơi. Tuy nhiên, những đòi hỏi của “ông lớn” cũng trở thành động lực để Công ty kiện toàn nội lực. Hơn 20 năm phục vụ cho thương hiệu nội thất nổi tiếng toàn cầu này, Woodsland không chỉ trưởng thành mà còn vươn vai, trở thành thương hiệu dẫn đầu ngành gỗ ở khu vực phía Bắc.
Tiến lên chuỗi giá trị
Trung bình, mỗi năm đơn hàng từ IKEA mang về cho Woodsland doanh thu hàng ngàn tỉ đồng (doanh thu năm 2019 ước vượt 1.600 tỉ đồng). Theo đánh giá của IKEA, Woodsland là 1 trong 5 nhà cung cấp lớn nhất của Hãng ở khu vực châu Á. Vậy mà, vị trí ấy không khiến cho những người điều hành Woodsland an tâm. Ông Bằng tiết lộ: “8 nhà máy của chúng tôi chỉ dành 60% năng lực cho việc gia công đơn hàng, phần còn lại tập trung vào những giá trị khác”.
Theo ông, sản xuất là khâu nhận được giá trị thặng dư thấp nhất trong toàn bộ quy trình kinh doanh nội thất. Đây cũng là khâu các doanh nghiệp Việt Nam đang làm tốt nhất. Nhưng thiết kế, phân phối và xây dựng thương hiệu mới là những giá trị mang lại lợi nhuận hấp dẫn. Đó cũng là lý do Woodsland không “bỏ trứng vào một rổ”, mà từng bước mở rộng, tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm riêng cho thị trường nội địa cũng như tham gia phân khúc cao cấp nhất của ngành: thiết kế, cung cấp sản phẩm nội thất cho các dự án.
Nắm được tâm lý người dùng trong nước và tổ chức được khâu phân phối, Woodsland là một trong những thương hiệu hiếm hoi làm chủ được thị trường nội địa, điều mà rất nhiều doanh nghiệp dù thắng lớn ở khâu xuất khẩu nhưng vẫn loay hoay. Đáng ghi nhận là câu chuyện liên kết với các lâm dân để chủ động nguồn nguyên liệu có chứng nhận xuất xứ. “Gỗ rừng trồng là một trong những lợi thế để phát triển bền vững của ngành gỗ Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu”, ông Bằng nhận xét.
Thị trường thương mại nội thất toàn cầu được định giá lên đến 450 tỉ USD. Năm 2019, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất toàn thế giới dự kiến tăng trên 3,5%, thương mại đồ gỗ cũng sẽ tăng thêm 4%. Trong đó, nhu cầu về sản phẩm gỗ cho nhà bếp rất lớn, chiếm tới 28% tổng nhu cầu về đồ gỗ tại thị trường Đức, Mỹ, EU... Trong bức tranh chung, ngành gỗ Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường với những tín hiệu tốt từ các thị trường nhập khẩu lớn.
Chưa kết thúc năm tài chính 2019, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã vượt qua kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lên đến 11 tỉ USD. Người sáng lập Woodsland nhận định, để thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 12-13 tỉ USD vào năm 2020, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý.
Lịch sử phát triển của ngành chế biến gỗ ghi nhận, nhờ làn sóng FDI cách đây 20 năm các doanh nghiệp chế biến gỗ có điều kiện phát triển như hiện tại. “Tình hình đầu tư nước ngoài lúc này hoàn toàn có thể dẫn đến làn sóng thứ 2, thôi thúc doanh nghiệp Việt phải phát triển lên tầm cao mới”, ông Bằng dự đoán.
Nhận xét
Đăng nhận xét