Thanh Hòa, một trong những nhà cung cấp gỗ nguyên liệu hàng đầu Việt Nam có trụ sở chính ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là doanh nghiệp đi đầu trong việc tạo ra chuỗi liên kết và thúc đẩy chuỗi liên kết ở Việt Nam với mong muốn đưa ngành gỗ Việt Nam vươn xa hơn trong thời gian tới. Dưới đây là góc nhìn của ông Trần Thiên - Giám đốc Công ty Thanh Hòa về yếu tố liên kết trong ngành gỗ Việt Nam, vấn đề không mới, nhưng rõ ràng và
Liên kết ở Việt Nam mang bản sắc văn hóa hơn là yếu tố thương mại hay kinh tế, trong ngành gỗ hiện nay, khi doanh nghiệp đối mặt với áp lực về mặt bằng, chi phí… thì họ sẽ có cách giải quyết khác nhau, có một số trung tâm, chủ yếu ở phía Nam, cung cấp phôi, còn lại các nhà máy, đặc biệt là miền Bắc và miền Trung, vẫn làm từ A-Z, thậm chí có nhà sản xuất còn tổ chức trồng rừng. Tại Quy Nhơn, các nhà máy vẫn phải đi mua gỗ tròn, tự sấy để chế biến sản phẩm. Tại phía Nam, một số nhà máy đi mua gỗ đã sấy về làm, còn việc xẻ, sấy là do nơi khác cung cấp.
Hiện nay ở các nước, các nhà máy không tự chủ nguyên liệu, họ hợp đồng với các nhà máy làm phôi liệu để tiến hành làm chi tiết, chuyên môn hóa sản xuất là cách để tạo ra chuỗi liên kết không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà cho cả sự phát triển của cả ngành gỗ.
Tại Ý có những công ty chỉ chuyên làm chân ghế hay tại Trung Quốc có nhiều nhà máy chỉ sản xuất mặt bàn. Việt Nam thì chưa như vậy, cho nên mỗi nhà máy đều phải đầu tư rất nhiều thiết bị, làm từng khâu từ cây gỗ cho đến các sản phẩm bàn, ghế, điều đó đồng nghĩa với việc không có chi phí để đầu tư thiết bị và cũng không có đủ điều kiện để đi sâu nghiên cứu từng công đoạn.
Vấn đề là do văn hóa và đạo đức trong hợp tác làm ăn của người Việt Nam, do đó, rất khó hình thành chuỗi liên kết, thậm chí gây đổ vỡ liên tục. Người Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ trong chữ tín nên họ phát triển nhanh. Liên kết chuỗi đang là thế mạnh nhất của ngành gỗ Trung Quốc. Trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung, khoảng 10 nhà máy của Trung Quốc có mặt ở Nam Trung bộ, cùng với đó, lực lượng cung cấp phôi liệu của Trung Quốc cũng đi theo. Họ tin cậy vào hệ thống cung cấp nguyên liệu và yên tâm rằng sự dịch chuyển tới đâu là nguyên liệu dịch chuyển tới đó.
Việt Nam chưa làm được điều đó, cần thúc đẩy, tạo dựng niềm tin. Chẳng hạn, khi nhà máy triển khai một đơn hàng, họ có thể huy động đối tác nhưng quá trình làm thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại mà không ai xử lý phần bồi thường, nên sợ không dám giao cho ai, tự mình làm. Đó là tâm lý của người Việt Nam trước hoàn cảnh pháp lý và văn hóa như vậy. Vấn đề mang tính văn hóa, đạo đức không thể thay đổi không thể trong một ngày.
Liên kết giữa doanh nghiệp với hộ trồng rừng, hay doanh nghiệp với doanh nghiệp không bền vững, và nó phụ thuộc vào nhu cầu, lợi ích và tầm nhìn của doanh nghiệp. Hơn 20 năm làm về gỗ nguyên liệu, tôi đã nghiệm ra những bật cập này.
Không liên kết sẽ không phát triển được, nhưng thời điểm hiện tại liên kết là mềm, không phải liên kết cứng. Đơn giản nhất, nếu doanh nghiệp không cam kết, thì không hộ trồng rừng nào chịu theo chuỗi chứng chỉ rừng FSC. Thế nhưng, hiện nay, khi nguồn FSC dư thừa không doanh nghiệp nào chịu cam kết. Doanh nghiệp mua và thậm chí chèn ép hộ trồng rừng như vậy, nên giữa họ không bao giờ có niềm tin. Trong giao dịch, quyền của người mua bao giờ cũng cao hơn quyền người bán. Cho nên, không bao giờ doanh nghiệp chịu từ bỏ quyền của mình để bình đẳng với người cung cấp.
Ví dụ khác, ông Nguyễn Chiến Thắng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific bố trí một loạt xưởng cưa ở Huế và ưu tiên cho người trồng rừng ở đây. Tuy nhiên, liên kết này không bao giờ là cứng, nó là liên kết mềm, chỉ là những lời hứa với nhau. Mềm như vậy mới tồn tại được, nếu cứng thì đã thất bại từ lâu rồi.
Làm thế nào để hình thành chuỗi liên kết thật sự khi người Việt Nam làm ăn không bền với nhau, khi có mối mới là bỏ ngay mối cũ. Cái nhìn ngắn hạn, chạy theo lợi ích trước mắt là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ giữa các mối liên kết. Thanh Hòa từng có những bài học cay đắng về chuyện này, và hiểu được rằng, cần phải thay đổi điều đó càng sớm càng tốt.
Lối ra của vấn đề này là văn hóa kinh doanh và pháp lý, vấn đề đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực của toàn ngành cùng trao đổi, cùng vận động với nhau để cùng liên kết, thậm chí lập những công ty do các doanh nghiệp của hiệp hội góp vốn.
Liên kết chưa hình thành bởi nó xuất phát từ hai phía: doanh nghiệp và người trồng rừng. Mô hình Thanh Hòa liên kết với người trồng rừng để sản xuất FSC, dù còn có những rủi ro gây đổ vỡ liên kết nhưng vẫn cơ hội hình thành liên kết giữa doanh nghiệp và hộ trồng rừng. bởi vì, hiện dù liên kết chưa hình thành nhưng sản phẩm các hộ tạo ra vẫn được doanh nghiệp sử dụng, vì doanh nghiệp là đối tượng sử dụng duy nhất cho các hộ trồng rừng. Vì vậy, cơ chế chính sách phải được “kiến tạo” theo hướng đảm liên kết cho cả hai phía. Nhà nước có vai trò quan trọng trong liên kết doanh nghiệp và người trồng rừng. Vấn đề là Nhà nước sẽ “nhảy vào” khâu nào, thúc đẩy hoạt động gì trong mối liên kết này.
Đến nay, doanh nghiệp vẫn đang mày mò trong quá trình liên kết nên chưa có hợp đồng cặn kẽ. Trong khi đó, việc cam kết thực hiện hợp đồng của người Việt Nam còn hạn chế, hầu hết các hợp đồng dựa vào sự tin lưởng lẫn nhau, ký hợp đồng chỉ để theo dõi về tài chính. Vấn đề cốt lõi trong liên kết là niềm tin, nó liên quan trực tiếp đến khía cạnh văn hóa. Niềm tin ở đây không dễ dàng xây dựng trong ngày một, ngày hai.
CẨM LÊ - Gỗ Việt - Số 119, tháng 1+2, 2020
Nhận xét
Đăng nhận xét