Kinhtedothi - “Bức tranh về hiện trạng đầu tư và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp khối FDI cho thấy một số tín hiệu về gian lận thương mại đối với một số doanh nghiệp trong khối này” – đây là nhận định được Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đề cập tới trong báo cáo vừa được công bố.
Các dự án đầu tư FDI mới tăng rất nhanh, tập trung vào mảng chế biến gỗ và sản xuất các loại ván nhân tạo. Nguồn đầu tư mới chủ yếu từ các nước châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc. Số lượt mở rộng vốn cũng như các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp diễn ra sôi động, với Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu.
Xuất khẩu từ khối doanh nghiệp FDI tăng mạnh, đặc biệt sang thị trường Mỹ, với các mặt hàng là ván và ghế ngồi là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, tốc độ mở rộng kim ngạch cao, chủ yếu từ các doanh nghiệp khối châu Á, dẫn đầu là FDI Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu các mặt hàng gỗ nguyên liệu từ khối FDI, đặc biệt đối với các loại mặt hàng thuộc nhóm ván nhân tạo và ghế ngồi, có nguồn gốc từ Trung Quốc tăng đột biến.
Các thông tin này khi ráp nối vào nhau cho thấy một số tín hiệu về gian lận thương mại có thể xảy ra trong một số doanh nghiệp FDI của Trung Quốc. Hình thức gian lận thương mại này cũng có thể xảy ra tại một số doanh nghiệp có liên quan đến nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, những gian lận thương mại nếu bị phát hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của ngành gỗ. Không chỉ vậy, nhiều ngành hàng khác cũng sẽ bị “liên luỵ” do chính sách thắt chặt các điều kiện cũng như quy trình kiểm tra xuất xứ hàng hoá. Chính vì vậy, các bộ ngành, đặc biệt là Tổng cục Hải quan cần giám sát chặt chẽ việc nhập hàng hoá từ các cảng, cửa khẩu giáp ranh biên giới nhằm ngăn chặn nguy cơ gian lận thương mại có thể xảy ra.
Nhận xét
Đăng nhận xét