Là địa phương đóng góp vào tỉ trọng xuất khẩu gỗ lớn thứ hai cả nước, song theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), hiện các doanh nghiệp (DN) trong ngành đang rất thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất.
Các doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị xây dựng khu công nghiệp tập trung cho ngành. Ảnh: Văn Gia
Các doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị xây dựng khu công nghiệp tập trung cho ngành. Ảnh: Văn Gia
Mong muốn của hiệp hội và các thành viên trong thời gian tới là Chính phủ cùng tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, quy hoạch một khu công nghiệp (KCN) chuyên ngành dành riêng cho ngành gỗ với diện tích 350ha trở lên.
Không những vậy, với phương châm “kéo thế giới gỗ về Đồng Nai”, hiệp hội cũng đang mong muốn xây dựng một khu vực triển lãm, phân phối gỗ lớn cho cả nước và các nước trong khu vực nhằm khẳng định vị thế của ngành gỗ Việt Nam.
* “Khát” mặt bằng sản xuất
Mới đây, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn đã làm việc với Dowa và các DN thành viên hiệp hội về hoạt động sản xuất, kinh doanh và những khó khăn mà các DN đang gặp phải. Đây là công tác tiền trạm, chuẩn bị cho hội nghị phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản hiệu quả bền vững của Bộ NN-PTNT sắp diễn ra.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá, các DN và ngành chế biến gỗ của Đồng Nai có đóng góp quan trọng với ngành chế biến gỗ cả nước. Hiện Đồng Nai có gần 600 DN chế biến gỗ xuất khẩu, chiếm khoảng 10,2% số DN gỗ của cả nước. Năm 2019, Đồng Nai đã xuất khẩu được 1,65 tỷ USD đồ gỗ, chiếm 14,5% kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước. Đồng Nai cũng có những DN ứng dụng công nghệ cao, thiết kế được những mẫu mã sản phẩm tốt, xây dựng liên kết theo chuỗi từ cung ứng nguyên liệu đến sản xuất những sản phẩm trung gian để tạo ra sản phẩm cuối cùng cho xuất khẩu.
Mục tiêu năm 2025 Đồng Nai xuất khẩu gỗ đạt 2,6 tỷ USD
Nhiệm vụ của ngành gỗ Đồng Nai là đảm bảo giá trị xuất khẩu tăng 10% hằng năm, phấn đấu năm 2025 đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Về cơ cấu, ngành gỗ tiếp tục chú trọng các mặt hàng chủ lực như: gỗ nội, ngoại thất và lâm sản ngoài gỗ. Về thị trường, sẽ tiếp tục được chú trọng mở rộng bên cạnh thị trường truyền thống là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU...
“Định hướng đến năm 2025, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ đạt kim ngạch 20 tỷ USD. Là địa phương có đóng góp quan trọng, các DN Đồng Nai cần phải đẩy mạnh liên kết để tạo được vùng nguyên liệu ổn định và có truy xuất nguồn gốc... Bên cạnh đó, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu đang tăng lên của thị trường thế giới” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Đối với Dowa, ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, Dowa đã định hướng ngành chế biến gỗ của tỉnh là ngành kinh tế mũi nhọn. Hiệp hội có 60 hội viên chính thức là những DN sản xuất, kinh doanh ngành gỗ, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ và các ngành nghề hỗ trợ. Đầu năm 2020, Dowa đã tổ chức hội chợ ngành gỗ của tỉnh Đồng Nai quy tụ gần 50 DN tham gia trưng bày gian hàng, góp phần thành công cho sự kiện lễ giỗ tổ ngành gỗ với sự chung tay của các hiệp hội gỗ trên cả nước.
Tuy nhiên, điều trăn trở nhất của Dowa hiện nay là chưa tìm được quỹ đất để xây dựng khu triển lãm, khu công nghiệp tập trung cho ngành gỗ. Điều này cũng kiềm chế phần nào sự phát triển của ngành gỗ Đồng Nai. “DN có thể tự chủ được về máy móc công nghệ, chúng tôi cũng đã ký kết đào tạo nguồn nhân lực với Trường đại học lâm nghiệp. Thị trường, thương hiệu và đơn hàng thì DN có thừa nhưng vấn đề khó khăn lại là mở rộng mặt bằng sản xuất để đáp ứng được nhu cầu thị trường” - ông Lê Xuân Quân chia sẻ.
* Kiến nghị lập KCN cho ngành gỗ
Cũng theo ông Lê Xuân Quân, Đồng Nai là cái nôi chế biến gỗ của cả nước. Điều đặc biệt so với các địa phương phát triển ngành gỗ khác, tiêu biểu như Bình Dương, là Đồng Nai có sự cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa. Dư địa phát triển ngành gỗ còn rất lớn nhưng thiếu mặt bằng cho sản xuất nên hiệp hội đã xây dựng kế hoạch, đề xuất Chính phủ cũng như tỉnh cho phép nghiên cứu, quy hoạch một khu vực để xây dựng KCN tập trung cho ngành gỗ.
“Diện tích cần cho KCN tập trung là khoảng 350-500ha đất. Trong đó, chúng tôi sẽ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ cung ứng nguyên liệu đến sản xuất và bán sản phẩm. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng trung tâm triển lãm, giới thiệu mặt hàng gỗ, nguyên liệu, máy móc công nghệ... có quy mô quốc tế để kéo thế giới gỗ về Việt Nam. Làm được như vậy sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn cho ngành gỗ” - ông Lê Xuân Quân kỳ vọng.
Về đề xuất này của Dowa, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay, dựa trên vị trí quan trọng của ngành gỗ, ông đồng tình với ý tưởng nói trên. Ông Tuấn cũng cho rằng, đây có thể là một giải pháp để tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành trong thời gian ngắn. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Đồng Nai nghiên cứu, tìm giải pháp để thực hiện. “Nếu có KCN tập trung, sức mạnh của ngành gỗ sẽ tăng nhanh, mục tiêu 20 tỷ USD sẽ sớm thành hiện thực và Đồng Nai đến năm 2025 có thể vươn tới xuất khẩu gấp đôi hiện nay” - ông Tuấn nhận định.
Về phía địa phương, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai rất quan tâm phát triển ngành gỗ nội địa vì có giá trị xuất khẩu lớn và có truyền thống. Riêng đối với việc thành lập KCN cho ngành gỗ, đó là ý tưởng của hiệp hội, song để thực hiện được không dễ. Do đó, trong thời gian tới, Dowa cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương khảo sát xây dựng phương án khả dĩ nhất, bởi hiện nay quỹ đất tại các khu vực trung tâm không còn nhiều.
Nhận xét
Đăng nhận xét