Muốn thực hiện được chỉ tiêu nâng cao kim ngạch xuất khẩu gỗ trong ngắn hạn hay phát triển bền vững trong tương lai điều đầu tiên là phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Để phát triển bền vững dựa trên gia tăng giá trị thặng dư thật sự chứ không đơn thuần là mở rộng gia công, ngành chế biến gỗ phải nhanh chóng thay đổi chiến lược phát triển, bắt đầu từ việc tháo gỡ các nút thắt về nguồn nhân lực và liên kết chuỗi trong sản xuất – chế biến – thương mại.
*Đầu tư phát triển nguồn nhân lực
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nguồn lực con người là “yết hầu của ngành gỗ”. Trình độ của lao động không chỉ tác động đến năng suất của khâu sản xuất, chế biến mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác định giá trị thương mại của sản phẩm.
Sản xuất, chế biến gỗ tại Công ty TNHH khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Chính vì vậy, muốn thực hiện được chỉ tiêu nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong ngắn hạn hay phát triển bền vững trong tương lai điều đầu tiên là phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, lao động là một trong những nguồn lực cơ bản của ngành chế biến gỗ, do đó, nếu không bổ sung kịp thời và chuẩn bị đủ thế hệ lao động kế tiếp đồng nghĩa với việc giới hạn ngưỡng phát triển cho cả ngành trong tương lai gần.
Để thu hút được nhiều nhân lực trẻ cho ngành gỗ, trước hết phải đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp xã hội nhìn nhận đúng bản chất cũng như tiềm năng phát triển của ngành gỗ trong tương lai.
“Trong khi hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp các ngành tài chính, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh... không tìm được việc làm đúng chuyên ngành thì rất ít người chọn học ngành chế biến lâm sản hay học nghề chế biến gỗ dù đây là ngành đang có nhu cầu nhân lực rất cao.”, ông Đỗ Xuân Lập thông tin.
Đối với vấn đề đào tạo, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến nông lâm sảm nói chung, bao gồm cả chế biến gỗ với các tiêu chí đáp ứng cả kiến thức chuyên môn và các kỹ năng thực hành.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở dạy nghề, tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm về lâm nghiệp, có khả năng đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Song song đó, cần chuẩn hóa chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi để thích ứng trong môi trường công nghiệp hiện đại.
Thế nhưng, cải thiện nguồn cung và chất lượng nhân lực một cách đồng bộ không phải là vấn đề có thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần ít nhất từ 5 -10 năm mới có thể mang lại hiệu quả. Trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực trước mắt, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp kinh doanh thiết bị và doanh nghiệp chế biến cần chủ động thực hiện liên kết với cơ sở đào tạo, trường dạy nghề triển khai các khóa học ngắn hạn cho lao động hoặc đặt hàng đào tạo theo nhu cầu.
Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo sẽ là chìa khóa giải quyết nhiều bất cập trong đào tạo nhân lực.
Cụ thể, một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo là các trường thường không có đủ giáo cụ, không đủ kinh phí mua sắm các thiết bị, dây chuyền công nghệ chế biến gỗ hiện đại phục vụ quá trình thực hành. Khi đó, doanh nghiệp dù tuyển dụng nhân viên có bằng cấp vẫn phải quay lại đào tạo từ đầu, vừa tốn thời gian vừa tăng chi phí mà chưa chắc có giữ chân được họ sau khi đã đào tạo.
Nếu doanh nghiệp và nhà trường phối hợp và liên kết chặt chẽ theo cơ chế đặt hàng lao động, nhà trường có thể đưa sinh viên, học viên đến thực hành tại các nhà máy có dây chuyền sản xuất hiện đại của doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng thực hành cho người học. Điều đó cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận sớm với nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng làm việc tốt thông qua việc theo dõi quá trình thực hành tại cơ sở sản xuất.
*Liên kết nâng cao giá trị sản phẩm
Với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và duy trì đà tăng trưởng cao trong thời gian dài, các chuyên gia cho rằng, ngành chế biến gỗ Việt Nam cần định hướng phát triển cùng lúc nhiều giá trị, bao gồm sản xuất nguyên liệu, thiết kế, marketing và xây dựng thương hiệu để mang về giá trị thặng dư cao hơn.
Công ty TNHH Tài Phước Khu Công nghiệp Phú Tài (Bình Định) mỗi năm sản xuất và xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Trung Quốc hơn 3.000m3 đạt doanh thu hơn 5 triệu USD. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu bền vững cho sản xuất, hiệp hội chế biến gỗ các địa phương đề nghị ngành Nông nghiệp tổ chức lại rừng trồng phục vụ chế biến gỗ trên cơ sở đánh giá nhu cầu về khối lượng và chủng loại gỗ. Muốn gia tăng giá trị cho các loại gỗ rừng trồng cần thực hiện đồng bộ các khâu lựa chọn giống tốt, áp dụng các kỹ thuật trồng cũng như tuyên truyền cho người trồng rừng kéo dài tuổi thọ cây rừng.
Người trồng rừng cần được tham gia sâu và nhìn nhận đúng vai trò trong chuỗi cung ứng của ngành, hơn là chỉ nhìn trên lượng gỗ trồng do họ làm ra. Trồng rừng không chỉ là ngành sản xuất nguyên liệu cho chế biến gỗ, lâm sản mà còn là có ý nghĩa trong việc gia tăng tỉ lệ che phủ, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực khó khăn, vì vậy Nhà nước và các tổ chức tài chính cần triển khai những chương trình tín dụng phù hợp để khuyến khích người dân duy trì trồng cây lâu năm. Song song đó, cần chú trọng nâng cao ý thức xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ trong chuỗi cung ứng…
Liên quan đến giá trị của sản phẩm gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh thông tin, năm 2019, tổng giá trị tiêu dùng của ngành gỗ và nội thất toàn cầu đạt 450 tỉ USD nhưng lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm 140 tỉ USD, còn lại chia đều cho 3 lĩnh vực sáng tạo - thương mại - thương hiệu. Tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam những năm gần đây rất cao, tuy nhiên hầu hết giá trị của ngành vẫn nằm trong lĩnh vực sản xuất.
“Việt Nam không còn nhiều lợi thế lao động giá rẻ để ở rộng sản xuất theo chiều ngang, hơn nữa 70% giá trị của sản phẩm gỗ hiện nay nằm ở khâu thiết kế và thương hiệu. Thị trường thế giới đã qua giai đoạn cạnh tranh về giá, hiện nay các sản phẩm đang cạnh tranh về chất lượng và xu thế tất yếu trong tương lai là cạnh tranh về thiết kế do khuynh hướng cá nhân hóa ngày càng cao. Khi đó sản phẩm có thiết kế càng đẹp thì giá bán càng cao.Thiết kế và thương mại, thương hiệu sẽ đóng vai trò sống còn trong việc tạo ra sức cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ và nội thất của Việt Nam.”, ông Nguyễn Quốc Khanh nhận đinh..
Chính vì vậy, bên cạnh việc phát triển sản xuất, ngành chế biến gỗ cần đầu tư đúng mức cho thiết kế và sáng tạo, vận dụng hiệu quả các phương thức thương mại mới và đẩy mạnh chiến lược marketing, xây dựng quảng bá thương hiệu đồ gỗ và nội thất Việt Nam ra thế giới.
Một “nút thắt” quan trọng khác cần được giải quyết chính là xây dựng và củng cố tính liên kết trong chuỗi giá trị theo cả chiều ngang và chiều dọc. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Scansia Pacific phân tích, chuỗi giá trị trong lâm nghiệp bao gồm các khâu từ trồng rừng đến khai thác, chế biến, thương mại và xuất khẩu.
Với quy mô vừa và nhỏ, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam trong ngành chỉ mới tham gia vào một hoặc vài khâu, chưa có doanh nghiệp nào có thể bao trọn gói từ nguyên liệu cho đến xuất khẩu. Chính vì vậy, việc liên kết giữa các khâu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động ổn định cho cả chuỗi.
Cụ thể cần tăng cường liên kết dọc giữa các cá nhân/doanh nghiệp trong ở nhiều khâu khác nhau của chuỗi cung, điển hình là liên kết giữa các hộ dân trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ để duy trì nguồn cung ổn định và đạt chất lượng. Một mắt xích khác trong liên kết dọc là thiết lập quan hệ giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến với các đơn vị thương mại, phân phối.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, những doanh nghiệp thức thời có thể liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn để tiếp cận và hiện diện ở nhiều thị trường khác nhau, tiếp cận gần hơn khách hàng tiềm năng với chi phí thấp thấp hơn. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị cũng bao gồm các liên kết ngang giữa các cá nhân/doanh nghiệp trong cùng một khâu, ví dụ các doanh nghiệp cùng sản xuất một nhóm mặt hàng hoặc giữa các hộ trồng rừng nguyên liệu với nhau.
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ theo chiều ngang lẫn chiều dọc sẽ giúp hình thành mạng lưới giá trị đa chiều, trong đó mỗi thành viên có thể hỗ trợ nhau tận dụng các nguồn lực về nguyên liệu, đầu tư mua sắm thiết bị máy móc, công nghệ sản xuất và khai thác hiệu quả các thị trường quy mô lớn.
Nói cách khác, để vượt qua những thách thức của hiện tại, tạo sự đột phá về tăng trưởng và giá trị thặng dư cũng như khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ ngành chế biến gỗ và nội thất thế giới, các doanh nghiệp không thể “đơn phương độc mã” mà phải đi cùng nhau./.
Nhận xét
Đăng nhận xét