Theo Hiệp hội Gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam rất có sức hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 966 doanh nghiệp (DN) FDI. Tuy nhiên, khối DN này hiện cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid -19.
Ngành gỗ cần đẩy mạnh liên kết, mở rộng thị trường xuất khẩu và tỉnh táo lựa chọn đối tác để bảo đảm phát triển bền vững. Ảnh: NNK
966 doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ
Ngày 28/2/2020, Hiệp hội Gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam đã công bố báo cáo "Đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam 2019: Thực trạng và một số khía cạnh về chính sách".
Theo báo cáo, trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xuất hiện, các dự án FDI đầu tư vào ngành tăng mạnh. Cùng với đó, ngày càng có sự tham gia đông đảo của các DN FDI hoạt động tại Việt Nam trực tiếp tham gia vào khâu xuất khẩu. Tính đến hết năm 2019, tổng số DN FDI hoạt động trong ngành gỗ là 966, với tổng vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD.
Số lượng dự án FDI mới quy mô lớn với quốc gia đầu tư đa dạng, tuy nhiên chủ yếu là các dự án thuộc vùng châu Á. Năm 2019, các dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ đến từ 14 quốc gia, tăng nhẹ so với con số 12 quốc gia của năm 2018. Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông là các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư chủ yếu vào ngành.
Năm 2019 các DN FDI trong ngành gỗ Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong danh sách các quốc gia cung cấp các mặt hàng gỗ cho các DN FDI hoạt động tại Việt Nam, tiếp theo là Malaysia, New Zealand và Thái Lan...
Ngoài ra, ngày càng có nhiều địa phương nhận được các dự án FDI đầu tư trong ngành gỗ, tuy nhiên hầu hết các dự án này đều tập trung tại vùng Đông Nam Bộ . Cụ thể, năm 2019 số tỉnh nhận được các dự án FDI là 23, cao hơn con số 17 tỉnh năm 2018. Khoảng 74% số dự án FDI tập trung vào vùng Đông Nam Bộ, chủ yếu tại 2 tỉnh là Bình Dương và Bình Phước...
Dịch viêm phổi cấp sẽ có tác động trực tiếp tới các DN FDI
Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends cũng nhận định, dịch viêm phổi cấp (Covid-19) đã và đang có những tác động trực tiếp tới các DN FDI ngành gỗ đang hoạt động tại Việt Nam, do các DN này có mối quan hệ chặt chẽ với thị trường Trung Quốc.
Thứ nhất, hiện có nhiều DN FDI của Trung Quốc đang hoạt động trong ngành gỗ Việt Nam. Dịch Covid-19 với các chính sách hạn chế di chuyển đã và đang tác động trực tiếp đến cán bộ quản lý và người lao động Trung Quốc làm việc tại các nhà máy này và điều này, tác động đến việc vận hành của các nhà máy.
Thứ hai, trong các DN FDI ngành gỗ, không chỉ các DN của Trung Quốc mà còn là DN từ các quốc gia khác, phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Dịch Covid-19 có thể đã tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung nguyên liệu từ Trung Quốc cho các DN FDI tại Việt Nam. Đồng thời, thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào có thể tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các DN FDI tại Việt Nam.
Cũng theo ông Tô Xuân Phúc, ngành gỗ đề ra chiến lược mở rộng kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD đến năm 2025. Hiện các DN FDI đóng góp gần một nửa kim ngạch xuất khẩu, nhưng sự gắn kết của khối DN này với các cơ quan quản lý và đặc biệt với các DN nội địa rất còn rất hạn chế.
Để thu hút và tận dụng hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam cần thay đổi cơ chế chính sách nhằm tạo kết nối giữa các DN FDI và các DN nội địa và các bên liên quan khác trong chuỗi cung, giảm sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay, tạo cơ hội cho các DN nội địa nắm bắt cơ hội phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu. Bên cạnh đó, khuyến khích được DN FDI kết hợp với các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn cung gỗ đầu vào cho DN.
"Các cơ chế chính sách cụ thể chỉ có hiệu quả nếu Chính phủ thiết lập và duy trì việc đối thoại thường xuyên với các DN FDI, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của khối DN này, từ đó giúp cho việc thiết kế chính sách" - ông Phúc nhấn mạnh./.
Phúc Nguyên
Nhận xét
Đăng nhận xét