Giới chơi sành chơi đồ gỗ đặc biệt là các Đại gia ai cũng biết đến giá trị của gỗ Nu. Nó được ví như một loại kim cương cực quý và hiếm, khó tìm và vô cùng đắt. Trong số hàng ngàn cây gỗ mới có một cây cho Nu. Và trong hàng ngàn Nu mới có một Nu to toàn phiến có độ dày từ 12-15cm.
Nu không phải là tên một loại gỗ mà thực chất là những mắt gỗ được hình thành từ những cây gỗ có tuổi thọ hàng trăm năm, có rất nhiều loại gỗ nu như nu nghiến, nu gỗ hương, nu gỗ thích, nu gỗ gõ trắng… Gỗ Nu thường rất hiếm Giá bán trên thị trường tính theo kg. Đắt rẻ tùy theo loại Gỗ nhưng giá thường rất cao, có khi đến cả triệu đồng 1 kg.
Thứ nhất là Nu nghiến (bìu nghiến) là Ngọc do chính từ chất Ngọc của nu nghiến. Khi nhìn kỹ một lọ lộc bình Ngọc nghiến, Phật Di Lặc, hay một Thiềm Thử (Cóc 3 chân Ngọc nghiến) chẳng hạn, sẽ thấy vân Ngọc lung linh, vặn xoắn biến ảo kỳ lạ, mầu sắc mang đầy đủ tính chất của Ngọc như bóng đẹp, có chiều sâu dù là mầu mạch nha, vàng cốm, vàng chanh hay mầu mật ong, có pha mầu hổ phách… Khi đặt bàn tay lên ta sẽ cảm nhận được và ngạc nhiên như chạm vào một nguồn mạch mát lạnh kỳ lạ từ thiên nhiên.
Thứ hai là do nguồn gốc và cách tạo nên Ngọc nghiến. Theo các chuyên gia lâm sinh, Ngọc nghiến được thiên nhiên tạo tác nên qua hàng trăm đến hàng ngàn năm, tùy vào độ lớn và “chất” ngọc như cách thiên nhiên tạo ra Trầm kỳ, Kỳ nam ở cây Dó Bầu. Nghĩa là thân, hoặc gốc cây nghiến bị một “vết thương” nào đó do sét đánh, chặt chém, thú rừng làm sứt mẻ, biến động của môi trường xung quanh… lập tức cây nghiến “phản ứng tự vệ” bằng cách hình thành bừu để chữa lành vết thương, bảo vệ cây. Bừu nghiến này lấy những dưỡng chất, tinh túy từ thiên nhiên (đất, nước, không khí, ánh sáng…) bền bỉ qua hàng trăm, hàng ngàn năm, tạo nên Ngọc nghiến. Theo tính toán lâm sinh, một khối Ngọc nghiến nặng từ 5-10kg phải được tạo ra từ cây nghiến có tuổi từ khoảng 300 năm trở lên.
Thứ ba là chất Ngọc nghiến cứng đúng như đá ngọc, bởi những vân gỗ hình cầu, hoặc xoáy trôn ốc, biến ảo theo quy luật tự nhiên của tạo hóa. Phải là những nghệ nhân chạm khắc tay nghề cao mới chế tác được Ngọc nghiến vì nó cứng như đá vậy. Nhiều nghệ nhân chế tác Ngọc nghiến bậc cao thường chọn ngày đẹp đầu tháng (Âm lịch) để khai búa, thậm chí là ăn chay trước một tuần và tắm nước nguồn sông, suối tự nhiên trước khi chế tác Linh vật Ngọc nghiến như Phật Di Lặc, Đạt Ma…
Thông thường trước đây để làm được một Linh vật Ngọc nghiến cỡ nhỏ, cũng phải vứt đi 4-5 chiếc đục loại tốt vì mòn, gẫy. Nay việc chế tác đã có những máy khoan, mài roa… cầm tay hỗ trợ nên đã đỡ công đi rất nhiều. Thêm nữa, nó góp phần tạo nên những “mắt ngọc” tuyệt đẹp của Ngọc nghiến. Ngọc nghiến có vân gỗ cực kỳ lạ mắt, hoa văn biến hóa độc đáo, sóng lớp cuồn cuộn , sờ vào thấy mát lạnh như chạm vào băng đá. Cây càng lâu năm, càng cổ thụ thì ngọc nghiến càng chất lượng, vân gỗ càng lung linh và đắt giá.
Chỉ với ba đặc tính trên cũng cho thấy Ngọc nghiến xứng đáng là một phẩm Ngọc quí giá , một món quà từ thiên nhiên ban tặng.
Gỗ nu nghiến thường được sử dụng để đóng bàn ghế, sập, làm các đồ mỹ nghệ, trang trí như lộc bình, tượng thần tài, tượng cóc ngậm tiền v.v… Thậm chí một chiếc gạt tàn thuốc làm từ ngọc nghiến xịn ngay tại Điện Biên, Sơn La cũng có giá vài triệu đồng.
Chỉ các đại gia thực sự mới dám sở hữu những bộ bàn ghế, sập đóng từ ngọc nghiến. Ngọc nghiến giá trị phải là những bộ “độc nhất vô nhị”, giá được nâng và nhân lên gấp bội cũng bởi gia chủ nó không thèm bán mà chỉ để ngắm chơi cho thiên hạ thèm. Xét ở độ cơ học thì Ngọc nghiến rất cứng, dai, bền, không mối mọt, dù chôn xuống đất cả trăm năm vẫn thế. Có thể nói nu là những siêu phẩm gỗ với những sắc màu khác nhau và kiểu vặn mình “thêu hoa dệt gấm” đã làm cho những sản phẩm gỗ trở nên có giá trị vô cùng to lớn. Toàn bộ đồ gỗ trong nột thất của ông Hoàng Bảo Đại tại Đà Lạt đều được làm bằng nu. Trải qua năm tháng ngót gần thế kỷ mà các đồ gỗ nu ấy vẫn bóng mày vân, vẫn lộng lẫy như những bức tranh phong thủy nhiều màu sắc.
Nhận xét
Đăng nhận xét