Rừng lim đầu nguồn biên giới Hương Sơn được ví như báu vật. Vì thế, ngành Lâm nghiệp Hà Tĩnh luôn đặt quyết tâm: Nơi nào đã có diện tích rừng lim thì tập trung khôi phục, bảo vệ, trồng giàu; nơi nào có tiềm năng thì khuyến khích trồng mới…
Rừng lim giống đặc biệt
Năm 2004, Trạm Bảo vệ rừng Ngã Đôi (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn) được Bộ NN&PTNT tổ chức khảo sát điều kiện sinh thái và chọn rừng Ngã Đôi làm rừng lim giống.
Anh Lưu Trọng Bằng (46 tuổi, công nhân công ty) trao đổi: "Mỗi cây lim thường 2 năm mới ra quả một lần. Đến mùa đổ hạt, chúng tôi nhặt về để sản xuất cây giống phục vụ người dân. Nói là rừng lim giống, nhưng rừng Ngã Đôi vẫn rất phong phú và có đủ loại cây bản địa. Riêng lim, khu rừng này có không dưới 1.000 cây chu vi trên 100 cm.
Ông Trần Trung Anh - cán bộ Phòng Lâm nghiệp Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn thông tin: Trạm Bảo vệ rừng Ngã Đôi quản lý hơn 3.800 ha (rừng tự nhiên thứ sinh), trong đó, diện tích rừng lim giống là 61 ha. Năm 2016, công ty được tổ chức GFA (đơn vị đánh giá và cấp chứng nhận quản lý rừng theo theo hướng bền vững - FSC) cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC và là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được cấp chứng chỉ toàn phần cho các dịch vụ hệ sinh thái bao gồm lưu giữ các-bon bảo vệ đất, nước, chống xói mòn.
"Chúng tôi có thể nhân giống từ 50 - 60 vạn cây mỗi năm. Tuy nhiên, trên thực tế, công ty chỉ sản xuất theo nhu cầu đặt hàng của người dân. Do là rừng giống, không được khai thác nên đời sống của cán bộ, nhân viên nơi đây chủ yếu dựa vào tiền lương khoán của công ty. Khoản thu nhập này rất thấp, dù thương anh em công nhân nhưng không có nguồn thu nên không có cách nào khác” - ông Trần Trung Anh cho biết thêm.
Cần thêm sự đồng hành của các cấp, ngành
“Có những đợt chúng tôi phải đùm cơm, đùm gạo đi tuần tra hàng chục ngày trời, ăn ngủ trong rừng nhưng thu nhập mỗi tháng chỉ được khoảng 2 triệu đồng. Nếu không có tình yêu đặc biệt với rừng lim, có lẽ chúng tôi khó mà bám trụ được lâu như thế” - anh Lưu Trọng Bằng chia sẻ.
Ông Đoàn Danh Tuyên - cán bộ Hạt Kiểm lâm Hương Sơn cho hay, tỷ lệ cây lim trên những khu rừng thứ sinh của Hương Sơn chiếm khoảng 20%. Mặc dù cây lim rất khó trồng, tỷ lệ sống cũng như tỷ lệ vượt tán thấp nhưng hàng chục năm qua, các chủ rừng vẫn kiên nhẫn trồng giàu, phát cây dây leo, cây bụi giúp lim phát triển.
Tuy nhiên, đáng buồn là người dân đến nay vẫn chưa được thụ hưởng chính sách chăm sóc rừng tự nhiên, công tác giữ rừng của họ thực sự xuất phát từ tình yêu đối với rừng. Mặc dù điều kiện kinh tế còn rất khó khăn nhưng họ sẵn sàng tự nguyện trồng và bảo vệ rừng.
“Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành có thêm chính sách hỗ trợ, chi trả tiền công chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên cũng như có những giải pháp phù hợp giúp người dân khai thác tốt hơn lâm sản phụ để họ có nguồn thu nhập từ rừng ổn định hơn” - ông Tuyên tâm sự.
Gìn giữ “báu vật” quốc gia
Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), Hà Tĩnh có 210.000 ha rừng tự nhiên, trong đó, huyện Hương Sơn có 64.350 ha (9.526 ha rừng đặc dụng, 28.049 ha rừng phòng hộ...).
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trần Văn Thông cho biết: Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều diện tích rừng tự nhiên và thuộc vùng phân bổ của loài lim. Riêng rừng lim Ngã Đôi, từ năm 2004, chúng tôi đã chuyển hóa thành rừng giống. Nhờ được điều tiết nên đến nay, tỷ lệ cây lim chiếm đến hơn 60% và là rừng có tỷ lệ cây lim lớn nhất Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, hệ sinh thái động vật tự nhiên cũng phát triển khá phong phú.
Nằm trong nhóm “tứ thiết mộc” (đinh, lim, sến, táu), nên lim xanh là loài cây gỗ quý. Rừng lim thứ sinh ở Hương Sơn hiện nay không thể đong đếm giá trị bằng bao nhiêu khối gỗ, bao nhiêu tỷ đồng vì nó đang là “báu vật” bởi giá trị bảo vệ môi trường, phòng ngừa thiên tai, giữ nước, giữ nguồn gen cũng như bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái.
Do vậy, thời gian tới, ngành Lâm nghiệp Hà Tĩnh xác định sẽ triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển, trồng giàu diện tích rừng lim quý giá này. Đồng thời, quy hoạch những nơi phù hợp điều kiện phát triển cây lim để trồng mới, mở rộng diện tích.
Về chính sách hỗ trợ người dân bảo vệ rừng, ông Thông cho rằng: “Hiện tại, người dân chỉ được phép khai thác lâm sản phụ. Tuy nhiên, dưới tán lim, các loài cây khác khó phát triển nên thu nhập thấp. Chúng tôi đã và đang kiến nghị lên tỉnh, Trung ương để sớm có chính sách hỗ trợ các chủ rừng”.
Nhận xét
Đăng nhận xét