Quảng Trị là địa phương có diện tích rừng trồng khá lớn với trên 23.400 ha rừng trồng đạt chứng chỉ FSC |
Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Quảng Trị trở thành ngành sản xuất quan trọng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có đóng góp quan trọng trong cơ cấu phát triển công nghiệp của tỉnh; có khả năng cạnh tranh cao, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng phát triển chế biến sâu nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và thâm nhập thị trường xuất khẩu; tăng kim ngạch xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa; đóng góp tỷ trọng lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mục tiêu cụ thể năm 2020: Phát triển ngành chế biến gỗ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị, giá trị sản xuất năm 2020 đạt 3.150 tỷ đồng, tăng bình quân 16%/năm; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 90 triệu USD; giải quyết việc làm ổn định cho 2.200 lao động và hàng nghìn lao động gián tiếp, tăng bình quân 7.5%/năm.
Mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5.600 tỷ, tăng bình quân 13%/năm; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 120 triệu USD đến năm 2025, tăng bình quân 8,4%/năm, phấn đấu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ so với ngành công nghiệp chế biến là 10%; giải quyết 3.000 lao động có việc làm ổn định và hàng nghìn lao động gián tiếp, tăng bình quân giai đoạn khoảng 7,4%/năm, đặc biệt quảng bá thương hiệu đồ gỗ Quảng Trị trở thành thương hiệu địa phương nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Là địa phương có diện tích rừng trồng khá lớn. Năm 2019, diện tích rừng trồng tập trung ước đạt trên 112.127 ha; diện tích rừng sản xuất đạt khoảng 114.932 ha; có trên 23.400 ha rừng trồng đạt chứng chỉ FSC. Sản lượng gỗ khai thác tăng liên tục qua các năm, năm 2019 đạt 945.000m3.
Quảng Trị hiện có khoảng 115 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ có đăng ký hoạt động, chủ yếu là gỗ MDF |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 115 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ có đăng ký hoạt động, chủ yếu là gỗ MDF, ván ghép thanh, mộc mỹ nghệ, viên nén và dăm gỗ. Các doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ tập trung chủ yếu ở các địa bàn như TP.Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh.
Để nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, UBND tỉnh Quảng Trị đã tăng cường chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện chặt chẽ công tác quản lý đất rừng, trồng rừng, quy hoạch lại diện tích rừng trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cũng như định hướng phát triển của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung rà soát các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ hiện có; rà soát, đánh giá lại quy hoạch để bố trí lại các cơ sở chế biến phù hợp hơn và giám sát chặt chẽ đầu ra của sản phẩm. Trên cơ sở đó, đề ra cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư đối với các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm mộc quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
“Nhờ vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ hoạt động khá ổn định. Năm 2019, giá trị sản xuất ước đạt 2.700 tỷ đồng, chiếm 33,8% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp chế biến của toàn tỉnh. Xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ rừng trồng và dăm gỗ đã có sự tăng đột biến trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.012.908 tấn, với giá trị xuất khẩu đạt 88,776 triệu USD” - ông Hà Sỹ Đồng cho biết.
Nhận xét
Đăng nhận xét