(ANTV) - Gỗ Pơ-mu là 1 loại gỗ quý thuộc nhóm I trong bảng xếp hạng các nhóm gỗ tại Việt Nam. Thế nhưng, những cánh rừng pơ mu hàng trăm năm tuổi trong khu vực rừng tự nhiên nằm trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vẫn đang bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng.
http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/phap-luat/rung-po-mu-hang-tram-nam-tuoi-dang-bi-huy-diet-312184.html
Những cây Pơ mu có đường kính từ 70 cm đến 1,2m bị lâm tặc cưa hạ không hề thương tiếc, tất cả có 19 cây Pơ mu bị cưa hạ trái phép tại tiểu khu 1219 thuộc lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý. Sự việc xảy ra vào tháng 4 vừa qua. Qua kiểm tra đo đếm của chủ rừng, tại hiện trường có khoảng 37 mét khối gỗ Pơ mu. Do bị lực lượng quản lý bảo vệ rừng phát hiện, nên lâm tặc chưa kịp tẩu tán.
Ông Chu Minh Quang, Phân trường 2 Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, để vận chuyển gỗ từ tiểu khu 1219 đi ra khỏi rừng, thì lâm tặc chủ yếu sử dụng bằng sức người, đó là đóng đinh vào gỗ dùng dây để kéo, có những người thì gùi trên lưng để mang gỗ ra khỏi rừng. Cách vận chuyển bằng thủ công này thì gây khó khăn cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Và khi thấy lực lượng quản lý bảo vệ rừng thì họ vứt gỗ bỏ chạy thoát rất là nhanh, không gây ra nhiều tiếng động nên anh em không thể phát hiện được.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông được giao quản lý, bảo vệ khoảng 28.000 héc ta rừng. Trong đó có khoảng 5.000 héc ta ở độ cao trung bình từ 1.300m đến 1.800m so với mực nước biển, ở tầng nấc này mới có quần thể Pơ mu sinh trưởng. Mặc dù rừng pơ mua nằm ở nơi núi dốc hiểm trở, phải đi bộ, leo núi mất 2 ngày, nhưng lâm tặc tìm đủ mọi cách, mở hàng chục con đường mòn lên núi để cưa hạ, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông, huyện Krông Bông, Tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong năm 2018 cho đến năm 2019 và năm 2020 thì tổng cộng trên tiểu khu 1219 thì có 5 vụ việc; đầu tiên là vụ việc năm 2018 có 48 cây Pơ mu bị cắt thì cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, tuy nhiên cái việc điều tra ra đối tượng là rất khó. Và năm 2019 có xảy ra 3 vụ; một vụ là 24, một vụ là 14 và một vụ 9 cây pơ mu bị cắt. Các cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường, thiết lập hồ sơ rồi khởi tố vụ án, tuy nhiên cho đến bây giờ vẫn chưa điều tra ra đối tượng.
Theo báo cáo của đơn vị chủ rừng, tính đến nay tổng số vụ vi phạm lâm luật trong lâm phần quản lý của Công ty là 144 vụ, trong đó có 7 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép với khối lượng là 45 mét khối gỗ. Tuy nhiên các vụ án cho đến nay cũng chỉ dừng lại ở mức độ khởi tố vụ án, chưa có bị can nào bị khởi tố, lý do là không tận tay bắt được lâm tặc. Điều này là một hạn chế trong công tác quản lý và bảo vệ rừng của nhiều địa phương.
Khu vực 19 cây Pơ mu bị lâm tặc cưa hạ vẫn còn nhiều cây Pơ mu hàng trăm năm tuổi sinh trưởng. Tuy nhiên các cây Pơ mu này đều bị cưa một lát mỏng ở phần gốc cây. Đây được xem như một cách đánh dấu để chờ khai thác của lâm tặc, điều này đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của loại cây quý hiếm này vì dễ bị ngã đỗ trong mùa mưa bão. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk, nếu không có những biện pháp mạnh, các giải pháp căng cơ về công tác quản lý, bảo vệ rừng thì những cánh rừng Pơ mu nói riêng và các loại gỗ quý hiếm khác nói chung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đứng trước nguy cơ xóa sổ./.
Nhận xét
Đăng nhận xét