Theo nhóm phân tích của CTCK SSI, ngành gỗ ít được hưởng lợi về thuế suất khi nhiều dòng sản phẩm có thuế suất 0% trước EVFTA.
Báo cáo "Tác động EVFTA đối với các ngành và doanh nghiệp niêm yết" mới đây của nhóm phân tích CTCK SSI cho biết, hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và EU chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường cho các hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU chiếm 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ vào tất cả các thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU đạt hơn 254 triệu USD (+12% so với cùng kỳ năm trước - YoY). Trong đó, Pháp, Đức và Hà Lan là 3 quốc gia tiêu thụ các sản phẩm gỗ và các sản phẩm gỗ lớn nhất trong khối EU- chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU khá đa dạng từ ván gỗ, nội thất, ngoại thất.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Forest Trends về “Tác động của Hiệp định EVFTA tới các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu và EU”, tạm chia các gỗ ra làm 3 nhóm chính: Các sản phẩm gỗ đã có mức thuế 0% trước khi EVFTA có khi có hiệu lực; Các sản phẩm gỗ trước đó EU đánh thuế nhưng mức thuế sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực; Các sản phẩm gỗ trước đó EU đánh thuế nhưng có thời gian giảm thuế về 0% trong 4-6 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Theo đó ở nhóm 1, các sản phẩm gỗ đã có mức thuế suất 0% trước khi EVFTA có hiệu lực. Hiện có117 mặt hàng (tương đương với 46,2% số lượng các mặt hàng xuất khẩu vào EU) và chiếm 88% kim ngạch xuất khẩu vào EU trong năm 2019, đã có mức thuế nhập khẩu vào EU ở mức 0%. Trong đó các mặt hàng xuất khẩu chính là gỗ xây dựng, ghế ngồi, đồ nội thất – chiếm 90% giá trị các sản phẩm gỗ có mức thuế suất 0% trước khi EVFTA có hiệu lực. Do đó, việc thực thi EVFTA không có tác động đối với các mặt hàng thuộc nhóm này khi xuất khẩu từ Việt Nam vào EU.
Đối với nhóm 2, các sản phẩm gỗ trước đó EU đánh thuế nhưng mức thuế sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Có 104 sản phẩm gỗ Việt Nam phải chịu thuế các mức thuế từ 1,7% đến 6% trước khi ký EVFTA (tương đương 41,1% số sản phẩm gỗ theo EVFTA) – chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào EU trong năm 2019. Nhóm các sản phẩm này sẽ được giảm về mức 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.
SSI nhận thấy, nhóm bộ phận đồ gỗ nội thất (MS 9403 90), thùng tang trống (MS 4415), ghế ngồi (MS 9401) và nội thất nhà bếp (MS 9403) là những sản phẩm có lộ trình giảm thuế ngay lập tức về mức 0%. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu nhóm này chưa nhiều do đó ảnh hưởng ít đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Đối với nhóm 3, các mặt hàng thuế giảm còn 0% trong vòng 4 năm hoặc 6 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Các mặt hàng có mức thuế về 0% sau 4 năm: Chỉ có 2 dòng sản phẩm trong nhóm hàng gỗ dán/ván ép (MS 4412)- chỉ chiếm 0,4% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trong năm 2019. Nhóm sản phẩm này với mức thuế nhập khẩu 6% vào EU trước đó được giảm dần về 0% sau 4 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực.
Nhóm các mặt hàng có mức thuế về 0% sau 6 năm: Có 30 dòng sản phẩm gổ và các sản phẩm gỗ (tương đương 11,9% tông số sản phẩm chịu thuế) – chiếm 1% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam xuất sang EU trong năm 2019, có mức thuế 7-10% trước khu EVFTA có hiệu lực sẽ giảm dần về mức 0% trong vòng 6 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. các mã sản phẩm bao gồm HS 4410 (ván dăm), 4411 (ván sợi), 4412 (gỗ dán/ván ép).
Như vậy, có 117 dòng sản phẩm – chiếm 88% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, đã có mức thuế suất 0% trước khi EVFTA có hiệu lực do đó sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các dòng sản phẩm này tại thị trường Châu Âu. Đồng thời, có 104 dòng sản phẩm – chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, sẽ được giảm thuế ngay lập tức từ mức 4-1,7% thuế suất về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Các dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng 1% kim ngạch xuất khẩu, sẽ giảm dần thuế trong 4-6 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Đồng thời, theo chia sẻ của đại diện công ty cổ phần Phú Tài cho biết hầu hết các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất sang EU là các sản phẩm nội thất thông dụng như bàn, ghế, dụng cụ nhà bếp, đã được mức thuế suất 0% trước khi EVFTA thực thi.
Các sản phẩm nhóm 3 thuộc các sản phẩm không thông dụng do đó có ít khách hàng đặt sản xuất. Do đó, khó có sự tăng trưởng mạnh các mặt hàng nhóm 3 trong tương lai khi thuế suất ưu đãi EVFTA có hiệu lực.
Bên cạnh đó, yếu tố ảnh hưởng đến việc xuất khẩu vào thị trường EU như nguồn gốc nguyên liệu đòi hỏi bắt buộc đạt VPA/FLEGT chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp, đặc biệt khó khăn đối với 1 số doanh nghiệp nhỏ. Do đó, SSI đánh giá tác động EVFTA đến ngành gỗ không quá lớn.
Trong 8 công ty niêm yết có ngành kinh doanh gỗ và các sản phẩm gỗ, chúng tôi đánh giá ảnh hưởng EVFTA không đáng kể khi thị trường Châu Âu chiếm tỷ trọng thấp từ 4,3% - 20%. Trong đó, doanh nghiệp có tỷ trọng tại thị trường Châu Âu lớn nhất là Công ty Cổ phần Phú Tài - PTB (tỷ trọng 18% doanh thu) thì phần lớn các sản phẩm gỗ nội thất đã có thuế 0% trước khi EVFTA có hiệu lực. Công ty Cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu SAVIMEX - SAV có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu vào thị trường EU chiếm 4,3% chủ yếu tập trung vào các sản phẩm nội thất, chủ yếu đã có mức thuế suất 0% trước khi EVFTA có hiệu lực.
Nhận xét
Đăng nhận xét