Rừng tự nhiên (gồm rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh được phục hồi tự nhiên) là một trong những yếu tố tạo nên độ kháng trượt của các sườn đồi núi. Nhưng để phát triển kinh tế, diện tích rừng tự nhiên hiện đã bị thu hẹp, thay thế bằng rừng sản xuất hoặc bằng những hồ chứa của các công trình thủy điện,…
“Thay lâu đài bằng căn nhà lá”
Trong hai kỳ báo trước, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh, các hình thái thiên tai cực đoan (lũ chồng lũ, động đất,…) đã làm gia tăng sự cố sạt lở đất ở khu vực miền Trung. Nhưng cùng với thiên tai thì việc tập trung phát triển kinh tế cũng đã kích thích các yếu tố gây trượt, đặc biệt là tình trạng phá rừng tự nhiên để làm thủy điện, phát triển rừng sản xuất, xây dựng công trình hạ tầng,…
Thực trạng diện tích rừng tự nhiên hiện nay của nước ta đã được Báo Dân tộc và Phát triển phân tích trong bài viết: “Diện tích rừng trồng tăng, rừng tự nhiên giảm: Thay lâu đài bằng căn nhà lá”, ra ngày 28/10/2020. Bài viết đã nêu những số liệu trong Báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ ngày 20/10 - 17/11) về tình hình thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020.
Theo báo cáo này, trong 10 năm (2011 – 2020), cả nước trồng được khoảng 2,15 triệu ha rừng sản xuất để tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, góp phần quan trọng nâng giá trị xuất khẩu lâm sản tăng từ 4,2 tỷ USD vào năm 2011, ước đạt 12,5 tỷ USD vào cuối năm 2020; đưa Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về giá trị xuất khẩu lâm sản.
Nhưng đổi lại, diện tích rừng tự nhiên ở nhiều vùng lại giảm mạnh. Như Tây Nguyên, năm 2019, diện tích rừng trồng ở khu vực này tăng 18.387ha so với năm 2018, nhưng diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753ha.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 31/10, chỉ tính bão số 9 và hoàn lưu sau bão đã làm chết 27 người, bị thương 67 người, 50 người còn mất tích. Dự báo, những ngày tới khu vực miền Trung có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến 40 - 250mm, có nơi trên 300mm; đến ngày 1/11, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên có khả năng lên lại. Tỉnh Nghệ An đã sơ tán 2.916 hộ dân ra khỏi khu vực bị ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất; tỉnh Hà Tĩnh cũng đã sơ tán 1.199 hộ.
Bài báo cũng dẫn lời của Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) rằng, rừng tự nhiên là “lá chắn” để giữ nước, giữ đất, giữ môi trường vì có tán cây, các lớp cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu (chiều cao cây như nào rễ sâu như thế). Còn rừng trồng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên.
Cũng là rừng, nhưng vì sao rừng sản xuất chỉ có tác dụng bằng 1/5 của rừng tự nhiên trong việc giữ nước, giữ đất, giữ môi trường? Chia sẻ với báo giới, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, ở sườn dốc, bộ rễ làm cho sườn dốc khỏe hơn, ổn định hơn, từ đó gia cố yếu tố kháng trượt. Tuy nhiên, hệ thống thân, lá của rừng lại làm cho sườn dốc gánh sức nặng nhiều hơn, làm gia tăng yếu tố gây trượt.
Với những sườn dốc có rừng tự nhiên, yếu tố kháng trượt được gia cố bởi thảm phủ thực vật nguyên sinh nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều chủng loại, khi đó tác dụng thẩm thấu tốt hơn. Còn rừng trồng, rừng sản xuất phía dưới không còn thảm thực vật nào khác, tác dụng thẩm thấu không còn. Mưa xuống, trong lòng đất là túi nước, và còn gánh thêm sức nặng của thân lá, thì rừng sản xuất vô tình trở thành gánh nặng cho sườn dốc. Đây là nguyên nhân dẫn tới thực trạng, nhiều quả đồi có rừng và nhiều quả đồi không có rừng cũng bị sạt lở.
Cần đánh giá lại toàn bộ hiện trạng rừng
Những số liệu về thực trạng rừng tự nhiên được đưa ra tại kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV đúng thời điểm khu vực miền Trung đang oằn mình trong lũ lụt, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề. Tính đến ngày 31/10, khi mà nhiều nạn nhân của một số điểm sạt lở đất vẫn chưa được tìm thấy thì mưa trên diện rộng đang liên tục ập xuống, nguy cơ tiếp tục sạt lở ở nhiều vị trí ở khu vực miền Trung là rất cao.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 30/10, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, miền Trung là khu vực đồi núi cao, địa chất có nhiều đất đá cổ nứt nẻ, có nhiều đất sét, hết sức bất lợi. Vì thế, mưa lớn và mưa lâu ngày, lớp phong hóa này trở nên nhão và có lực trượt kéo xuống phía dưới, gây ra sạt lở đất.
“Ngoài ra do hoạt động dân sinh, ta phải mở đường san phẳng để làm khu nhà ở, trường học, nhà máy thủy điện… là những hoạt động làm mất ổn định sườn dốc, là nguyên nhân kích hoạt để tai họa có thể xảy ra”, ông Thành cho biết.
Tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều ngày 30/10, vấn đề được báo chí đặc biệt quan tâm là việc quy hoạch, phát triển thủy điện; nhất là thực trạng các dự án thủy điện nhỏ trong thời gian qua là một nguyên nhân dân đến diện tích rừng bị giảm. Theo tính toán, bình quân các nhà máy thủy điện nhỏ, cứ 1MW thì "tiêu tốn" từ 1 đến 10 ha rừng đầu nguồn.
Ví dụ, dự án thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) công suất 11 MW chiếm 11 ha; dự án Rào Trăng 4 công suất 14 MW tốn 168 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền. Tính chung cả tỉnh Thừa Thiên – Huế có 11 thủy điện nhỏ, tổng công suất là 105MW. Vị chi, chỉ ở tỉnh này đã có trên dưới 1 nghìn ha rừng đầu nguồn phải “nhường” cho 11 dự án thủy điện “cóc”.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, yêu cầu cấp bách hiện này là phải đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân suy giảm rừng tự nhiên, từ đó xây dựng những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ “lá chắn” giữ nước, giữ đất, giữ môi trường này. Bởi cái giá phải trả vì mất rừng tự nhiên đã và đang hiện hữu.
Dải đất miền Trung vốn không xa lạ gì với mưa bão, lũ lụt. Nhưng trong những năm gần đây, sức tàn phá của bão lũ ngày càng khốc liệt hơn; số người thiệt mạng trên đất liền phần lớn là do lũ quét, sạt lở đất do diện tích rừng tự nhiên ngày càng giảm. Mặc dù công tác dự báo, cảnh báo đã được quyết liệt triệt khai, nhưng người dân vẫn không thể tránh được thảm họa. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Nhận xét
Đăng nhận xét