Dù thời tiết ngày càng cực đoan, nhiều trận mưa lũ kinh hoàng đã xảy ra, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, rừng phòng hộ dọc Quốc lộ 14 - Đường Hồ Chí Minh chạy qua tỉnh Đăk Nông liên tục bị đầu độc. Những cánh rừng chết dần, chết mòn, bị đốt, phá để thay vào đó là những rẫy hoa màu, những căn nhà tạm khiến hiểm họa xói lở trực chờ.
Hại rừng không thương tiếc
Diện tích rừng phòng hộ bị phá, đầu độc nghiêm trọng nhất là đoạn chạy qua huyện Đăk Song và huyện Đăk G’Long (Đăk Nông). Theo thống kê của Đoàn kiểm tra 1593 kiểm tra việc đầu độc rừng, phá rừng của tỉnh Đăk Nông thì rừng thông dọc đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Đăk Song là rừng phòng hộ cảnh quan. Diện tích rừng này nằm ngay sát quốc lộ. Những cánh rừng có từ những năm 1984 - 1986.
Qua kiểm đếm, thống kê, đến năm 2018 có 416,29ha, trong đó diện tích do UBND huyện Đăk Song quản lý là 380,88ha. Từ năm 2015 trở lại đây, rừng được giao cho địa phương quản lý. Có hơn 80 vụ phá, khai thác rừng trái phép đã làm thiệt hại diện tích lớn rừng phòng hộ nơi đây.
Theo kết luận của Đoàn kiểm tra 1593 tỉnh Đăk Nông thì: “Từ khi rừng phòng hộ Quốc lộ 14 được giao về địa phương quản lý, Ban thường vụ Huyện ủy và chính quyền các cấp của huyện Đăk Song trong thời gian dài đã không cương quyết trong xử lý, cưỡng chế các trường hợp vi phạm; số vụ phá rừng hoặc khai thác rừng trái phép tăng cả về số vụ và số diện tích. Trong đó số vụ tăng hơn 10 lần, số diện tích tăng hơn 5 lần”.
Một trong những phương thức bức tử rừng phòng hộ là đổ chất độc, ken gốc cho cây chết khô dần. Có thời điểm hàng chục vạt rừng chết thảm. Sau đó cây dần đổ gãy, bị đốt và san ủi làm hoa màu hoặc dựng nhà.
Dọc đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua huyện Đăk G’Long (Đăk Nông), hàng ngàn cây rừng phòng hộ cũng bị đầu độc, chết khô. Diễn ra nóng bỏng nhất là ở Tiểu khu 1686; Tiểu khu 1697 và 1686… thuộc địa phận xã Đăk Ha (Đăk G’Long).
Mất lá chắn, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy
Theo nhiều người dân sinh sống dọc Quốc lộ 14, thì những cánh rừng phòng hộ bạt ngàn bao năm nay đã như lá chắn quan trọng bảo vệ đời sống các buôn làng sống ven rừng. Nhưng, giờ bị phá, bị đầu độc nham nhở, những trận mưa trút xuống nước tống thẳng vào các khu dân cư, đời sống trở nên bất an hơn. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt, khí hậu biến đổi theo hướng cực đoan. Nếu việc tàn sát rừng phòng hộ không dừng lại sẽ còn dẫn đến nhiều tác hại nguy hiểm khác.
Ông Ka Hành ở Đăk Song bức xúc cho biết, rừng cứ nằm xuống thì nhà lại mọc lên. Chuyện đó người đi đường, người dân nhìn vào đều thấy. Nhưng lạ thay, chính quyền sở tại lại không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn từ đầu. Đến khi rừng chết hết rồi lại viện đủ lý do.
Theo Quyết định 2195/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đăk Nông ban hành, thì các địa phương phải bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, nghiêm cấm mọi tác động bất lợi vào rừng, tiếp tục đóng cửa (không khai thác) rừng tự nhiên, xử lý nghiêm theo quy định hành vi xâm hại đến rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Trường hợp vi phạm đến mức hình sự thì chuyển cho Công an điều tra, xử lý theo quy định. Các diện tích rừng đang bị lấn chiếm trái phép thì thu hồi, giải tỏa để bảo đảm kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Nhiều giải pháp được tỉnh Đăk Nông đưa ra là vậy, nhiều diện tích rừng, đất rừng cũng đã được giao về các địa phương từ cấp xã chịu trách nhiệm quản lý, nhưng rừng phòng hộ vẫn không ngừng “chảy máu”. Phải chăng đang có sự dung túng hoặc làm ngờ cho việc phá rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ dọc đường Hồ Chí Minh?.
Từ khi rừng phòng hộ Quốc lộ 14 được giao về địa phương quản lý, Ban thường vụ Huyện ủy và chính quyền các cấp của huyện Đăk Song trong thời gian dài đã không cương quyết trong công tác xử lý, cưỡng chế các trường hợp vi phạm; số vụ phá rừng hoặc khai thác rừng trái phép tăng cả về số vụ và số diện tích...”
Theo kết luận của Đoàn kiểm tra 1593 tỉnh Đăk Nông
Nhận xét
Đăng nhận xét