Cây kơ-nia nổi tiếng vì nó không những có gỗ rất cứng mà còn là hình ảnh tượng trưng cho sự bất khuất của người Việt Nam trong chống giặc ngoại xâm. Cây kơ-nia được cho là lớn nhất nước ta hiện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai.
Cây kơ-nia từng đi vào thơ và nhạc. Bài thơ "Bóng cây kơ-nia" của nhà thơ Ngọc Anh sau khi được được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành bài hát “Nhớ bóng cây kơ-nia” đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt.
Cây kơ-nia có tên khoa học là Irvingia malayana. Tại Việt Nam, cây phân bố ở từ đèo Hải Vân đến Nam bộ. Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2000 cây được xếp vào bậc sẽ nguy cấp cần được bảo tồn.
Kơ-nia là cây gỗ lớn. Cây cao khoảng 15-30m. Đường kính có thể hơn 4m, gốc thường có khía, bạnh vè. Vỏ thân màu nâu hồng hay xám hồng. Cành con màu nâu. Tán cây hình trứng, rậm rạp, màu xanh thẫm. Lá đơn, mọc chụm ở đầu cành, mặt trên màu xanh, bóng, mặt dưới màu xanh nhạt. Phiến lá hình trái xoan, dài khoảng 9-11cm, rộng 4-5cm, khi non lá có màu tím nhạt.
Gỗ cây kơ-nia rất cứng, cây to nhưng hay bị thối ruột và dễ bị mối mọt nên ít được sử dụng trong xây dựng. Nhân dân địa phương dùng gỗ kơ-nia làm cối hay chày, hoặc đốt thân cây làm than. Hạt kơ-nia mùi dễ chịu, dùng làm xà phòng hoặc dầu thắp đèn. Vỏ thân dùng làm thuốc cho phụ nữ mới sinh.
Một điểm đặc biệt của cây kơ-nia đó là không chết bởi chất độc da cam. Theo tài liệu lịch sử, từ 1961 - 1971, Mỹ đã thực hiện 19 nghìn vụ phun, rải chất độc da cam/Dioxin xuống Việt Nam, với tổng diện tích 3,06 triệu ha. Những khu rừng bị chất độc da cam rải xuống tất cả cây 2 lá mầm đều bị chết, duy chỉ có cây kơ-nia không chết. Những cây kơ-nia vẫn sống, sừng sững hiên ngang giữa rừng. Chính vì vậy, cây kơ-nia được ví như tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam.
Cây kơ-nia lớn nhất Việt Nam luôn là vị trí thu hút nhiều học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập khi tới khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai.
Nhận xét
Đăng nhận xét