(Khoa học) - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho hay điều trái khoáy này đã diễn ra nhiều năm.
Lợi ích chưa gắn với trách nhiệm
Bàn tiếp về mối liên quan giữa việc cấp phép cho dự án thủy điện với việc mất rừng, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung chỉ ra một điều "cọc cạch", đó là: nhiều nhà máy thủy điện do tư nhân đầu tư xây dựng, nhưng ngân sách nhà nước lại phải bỏ tiền ra để trồng rừng phòng hộ. Bởi lợi ích chưa gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp nên dẫn tới việc vận hành tích - xả nước, bảo vệ, phát triển rừng không gắn liền với nhau.
Phân tích cụ thể, vị chuyên gia cho hay, bất kỳ một nhà máy điện nào cũng phải có rừng phòng hộ để đảm bảo cho sự tồn tại của chính nhà máy. Lý do là vì nếu không có rừng phòng hộ thì nhà máy chỉ có thể phát điện được vào mùa mưa, còn lúc không mưa hay vào mùa khô thì không có nước để phát điện, mà như vậy thì nhà máy chỉ còn nước đóng cửa.
Trong bối cảnh ấy, rừng phòng hộ sẽ giúp điều tiết nước. Khi mưa lớn, rừng phòng hộ đưa nước xuống hồ, tích nước ở đó. Khi nắng lên, rừng phòng hộ tiếp tục tích nước, và quan trọng là rừng phòng hộ cho phép nước ngấm sâu xuống đất thành nước ngầm.
"Nếu nhà máy thủy điện do Nhà nước đầu tư, rừng phòng hộ cũng là của Nhà nước thì những người làm rừng như chúng tôi không phải lo gì cả. Nhà nước quyết định làm nhà máy thủy điện thì chúng tôi đi đo đạc, tính toán xem cần bao nhiêu hecta rừng phòng hộ cho nhà máy ấy, rồi ngân sách nhà nước sẽ bỏ tiền ra để trồng rừng phòng hộ cho tốt. Nói cách khác, đó là kiểu lấy túi bên phải bỏ túi bên trái, tất cả của Nhà nước, nhà máy phát điện nhiều thì có nhiều tiền nộp cho ngân sách nhà nước.
Nhưng nhiều năm nay, thủy điện được xã hội hóa, tư nhân đầu tư làm thủy điện nhiều, đặc biệt là thủy điện nhỏ, trong khi đó rừng phòng hộ vẫn là của Nhà nước, vậy tội gì tư nhân - ông chủ của nhà máy thủy điện phải bỏ tiền ra để trồng rừng phòng hộ, làm cho nó ngày càng tốt hơn? Đáng lẽ chủ nhà máy thủy điện tư nhân phải làm chủ luôn rừng phòng hộ - đó là rừng tự nhiên, rừng giàu, thứ đảm cho nhà máy điện hoạt động an toàn và lâu dài.
Thủy điện Rào Trăng 3 tan hoang trong đống đổ nát. Ảnh: PLO |
Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ, các dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên sẽ phải xin ý kiến Quốc hội. Sau khi Quốc hội cho phép thì cơ quan chức năng mới cấp quyền chuyển đổi cho dự án. Trường hợp diện tích rừng phòng hộ phải chuyển đổi dưới 20ha thì phải thông qua HĐND cấp tỉnh, sau đó Chủ tịch tỉnh mới giao cho nhà máy.
Đáng lẽ phải giao trách nhiệm cho nhà máy rồi giám sát kiểm tra buộc họ phải làm tốt thì đằng này giao cho ngành lâm nghiệp- những người ăn lương nhà nước, nếu phục vụ tốt thì lương vẫn bằng ấy. Thế nên mới có chuyện kiểm lâm đi kiểm tra rừng mà cuối cùng rừng vẫn bị chặt trộm.
Điều này cho thấy tầm nhìn còn hạn chế, lẽ ra xã hội hóa ngành điện thì phải xã hội hóa luôn cả điều kiện bảo vệ nhà máy điện - đó chính là rừng phòng hộ", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung phân tích.
Tính bài toán tối ưu
Một vấn đề khác được vị chuyên gia đề cập, đó là việc tính toán một bài toán tối ưu để làm thế nào nhà máy phát điện được nhiều nhất, nhưng vẫn đảm bảo an toàn và đây mới là vấn đề quan trọng nhất.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung chỉ rõ, nhà máy thủy điện phải làm ở chỗ đất dốc, nơi có chênh lệch về mặt nước. Nếu không có thì phải đắp đập thật cao cho nước dâng lên, dể từ đó chảy vào máy để phát điện. Đập cao bao nhiêu là do người thiết kế tính toán để tạo ra mực nước chênh lệch. Chênh lệch càng cao, phát điện càng nhiều, nhưng nguy hiểm, rủi ro cũng càng lớn.
Cho nên, việc điều chỉnh nước phải theo dòng sông, nhà máy nọ nhà máy kia ở trên cùng một dòng sông phải liên kết với nhau để tránh rủi ro.
Khi cơ quan chức năng duyệt dự án nhà máy thủy điện (trước là Bộ Năng lượng, nay là Bộ Công thương) luôn đặt ra yêu cầu: phương án mà chủ dự án đưa ra phải đảm bảo phát điện điện nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho nhà máy và người dân ở hạ du.
"Thường thì phải hy sinh một phần về phát điện để đảm bảo an toàn. Vì mưa có quy luật nhưng quy luật đó không chính xác đến mức ngày nào dừng mưa, ngày nào mưa tiếp. Do vậy, để đề phòng rủi ro, người ta thà chấp nhận mất một tháng nhà máy không phát điện được vì thiếu nước nhưng đảm bảo có được an ninh, an toàn cho nhà máy và an toàn cho người dân sống ở hạ lưu.
Đây chính là việc tính toán bài toán tối ưu để thực hiện mục tiêu trên. Đánh đổi môi trường lấy lãi suất về điện lợi hay hại thì người ra quyết định phê duyệt phải tính", GS Lung cho biết.
Ông dẫn ví dụ, hội đồng đánh giá tác động môi trường của các nhà máy thủy điện lớn trong toàn quốc phải đánh giá môi trường của dòng sông nơi đó có đảm bảo cho một nhà máy với công suất nhất định có thể sản xuất lâu dài hay không? Nếu được thì kiến nghị Bộ Công thương có thể cho làm nhà máy, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu như: đập thiết kế ra sao? Mực nước đến đâu thì bắt buộc phải xả lũ, dù mùa khô có thiếu đi chăng nữa...
"Đây là vấn đề khoa học, và đôi khi nó theo quan điểm của hội đồng đánh giá. Chủ dự án thủy điện tư nhân bao giờ cũng muốn mức tối đa để luôn luôn phát điện được, nếu có xảy ra vỡ đập thì chẳng qua năm đó... nhiều nước. Thế nhưng, ở vai trò Nhà nước thì yêu cầu an toàn là trên hết. Quan điểm như thế nào thì sẽ tính toán được lượng nước bao nhiêu thì vừa.
Chúng ta xã hội hóa thủy điện, và 20 năm nay tư nhân làm nhà máy thủy điện nhỏ rất nhiều. Nhà máy điện lớn làm xong, lại xen kẽ vào đó là các nhà máy thủy điện nhỏ hơn. Như vậy, kế hoạch chỉnh nước bị phá vỡ. Chủ nhà máy thủy điện cứ tối ưu họ làm, nhưng như vậy thì nhà máy ở phía dưới và người dân ở hạ lưu hãy coi chừng", vị chuyên gia chỉ ra thực tế.
Thành Luân
Nhận xét
Đăng nhận xét