Lực lượng kiểm lâm huyện Đồng Xuân tuần tra khu rừng giáp ranh với tỉnh Bình Định. Ảnh: ANH NGỌC
Phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình trạng khai thác rừng trái phép, chặt phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các địa phương tiếp tục quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa lâm nghiệp, khẩn trương xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.
Còn nhiều bất cập
Theo Sở NN-PTNT, diện tích đất rừng quy hoạch lâm nghiệp ở Phú Yên hiện khoảng 276.046ha, chiếm gần 55% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, trong đó diện tích đất có rừng khoảng 218.180ha. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng được các cấp, các ngành và địa phương rất quan tâm. Đặc biệt, năm 2020, lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh có nhiều kết quả tích cực, trong đó phải kể đến sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhất là cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành lâm nghiệp cơ bản hoàn thành theo kế hoạch như trồng mới rừng khoảng 8.270ha (đạt 137,8% kế hoạch), tỉ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 45% (tăng 0,76% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh theo hướng phát triển bền vững có chuyển biến nhưng chưa rõ nét. Tình trạng khai thác rừng trái phép, chặt phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất tại một số địa phương vẫn còn xảy ra. Đời sống của người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, chưa được cải thiện…
Theo ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT), năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 282 điểm cháy qua ảnh vệ tinh, trong đó có 1 vụ cháy rừng trồng với diện tích gần 15ha (rừng trồng phi lao, trồng từ năm 1989 ở phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa), các điểm cháy còn lại do người dân đốt dọn thực bì, vệ sinh rừng sau khai thác. Cũng trong năm qua, các ngành chức năng và địa phương phát hiện, lập biên bản 259 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, đã xử lý hành chính 245 vụ và chuyển xử lý hình sự 14 vụ; lâm sản tịch thu hơn 427m3 gỗ các loại, tổng số tiền thu được qua xử lý vi phạm là hơn 1,8 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời gian qua, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều chồng chéo. Diện tích đất lâm nghiệp giao theo Nghị định 163 trước đây còn nhiều bất cập (giao theo hình thức kê khai, giao trên bản đồ, không có vị trí, tọa độ, trùng với diện tích đất giao cho các ban quản lý rừng) nhưng chậm giải quyết, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại và xảy ra tình trạng lấn chiếm rừng. Khó khăn nhất hiện nay là đối với diện tích đất, rừng thu hồi từ các ban quản lý rừng giao lại cho địa phương quản lý (khoảng 26.938ha) để lập phương án giao cho dân nhưng đến nay chậm triển khai thực hiện, do chưa bố trí nguồn kinh phí để đo đạc, giao đất theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 9/2017. Ranh giới, diện tích đất, rừng giữa một số ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có trùng với đất, rừng giao cho hộ gia đình, cá nhân nhưng đến nay chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến tranh chấp kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng khai thác rừng trái phép, chặt phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất tại một số địa phương vẫn còn xảy ra nhưng chưa được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, hạ tầng cơ sở còn yếu kém, nguồn vốn ngân sách bố trí để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ lâm nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy tiềm năng lâm nghiệp của tỉnh.
Sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng
Theo Sở NN-PTNT, việc đầu tư, phát triển trong lĩnh vực lâm nghiệp thời gian qua được các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia trồng rừng rất quan tâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ chế biến gỗ rừng trồng. HTX Lâm nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động và vận động thành lập 2 HTX lâm nghiệp cấp huyện (Tuy An, Sông Hinh) và 4 HTX thành viên (Hòa Mỹ Tây, Hòa Phú, Hòa Định Đông, An Xuân) với hàng trăm hộ gia đình, cá nhân có đất trồng rừng sản xuất với diện tích hơn 5.000ha. Riêng Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên tham gia thành viên HTX Lâm nghiệp công nghệ cao đã xây dựng vườn ươm với quy mô 10 triệu cây giống/năm và đầu tư 2 máy khai thác gỗ, 1 máy trồng rừng để giảm giá thành, nâng thu nhập cho thành viên HTX. Ông Trần Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng năm 2020, hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp vẫn duy trì ổn định, tổng doanh thu khoảng 300 tỉ đồng. Hiện công ty tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị vào sản xuất với mục tiêu hướng đến trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững. Công ty cũng có 2 nhà máy chế biến gỗ rừng trồng và đang liên doanh với Tập đoàn Econecol (Nhật Bản) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ hiện đại, dự kiến nhà máy này đưa vào hoạt động trong năm 2021. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy này, công ty đang liên kết với các chủ rừng để mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu với diện tích rừng trồng từ 8.000-10.000ha.
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, mục tiêu năm 2021 của ngành lâm nghiệp và các địa phương phấn đấu bảo vệ tốt 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có (khoảng 127.000ha), phấn đấu giảm tối thiểu 20% số vụ vi phạm và diện tích, mức độ thiệt hại so với năm 2020, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 46%. Đối với công tác trồng rừng, năm 2021 phấn đấu trồng đạt trên 6.000ha, chăm sóc rừng trồng khoảng 18.000ha, khoán bảo vệ rừng khoảng 37.000ha, khoanh nuôi tái sinh rừng khoảng 1.000ha, trồng cây phân tán khoảng 1 triệu cây. Các địa phương cần sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2025; tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả rừng trồng theo phương án quản lý rừng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến sâu, đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các địa phương tập trung quy hoạch, cắm mốc phân ranh giới rừng, đầu tư các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp đạt yêu cầu và xây dựng những cơ chế, chính sách, những mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững. Sở NN-PTNT cần triển khai đề án và nhân rộng mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, mô hình liên kết trồng rừng, cho thuê môi trường rừng để vừa đảm bảo môi trường rừng, vừa huy động được sự chia sẻ của cộng đồng, vừa không mất rừng và tăng giá trị rừng. Các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh những bất cập trong giao đất theo Nghị định 163 cho phù hợp quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng và phù hợp giữa bản đồ và thực địa. UBND cấp huyện và xã cần thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; quản lý chặt chẽ tình trạng di dân tự do gây ảnh hưởng xấu đến rừng và đất lâm nghiệp; kiểm tra, thống kê diện tích rừng bị phá, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, sử dụng sai mục đích để thu hồi, khôi phục lại rừng.
Các địa phương có rừng phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa lâm nghiệp, tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ rừng. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện Quyết định 2570 ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; đồng thời kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các phương án theo đúng quy định.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế |
ANH NGỌC
Nhận xét
Đăng nhận xét