Trong 2 thập kỷ gần đây, xuất khẩu (XK) của ngành gỗ đã đột phá. Từ chỗ XK được 200 triệu USD năm 2000, mười năm sau - 2020, lên 12,3 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2019. Kết quả này tiếp tục đưa mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ (G&SPG) nằm trong Top 5 mặt hàng đầu đàn - XK từ 10 tỷ USD trở lên, góp phần tạo nên kỳ tích về XK của năm 2020.
Hành trình sáng sủa
Trong cấu thành XK, các loại đồ gỗ chiếm gần 70%, còn lại trên 30% là các sản phẩm thuộc nhóm gỗ nguyên liệu, thể hiện năng lực chế biến gỗ cùng khả năng XK đồ gỗ - điều luôn kỳ vọng ở XK của Việt Nam đang chuyển mình từ XK sản phẩm thô sang XK sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường XK gỗ quan trọng nhất của nước ta, chiếm 90% kim ngạch XK G&SPG của cả ngành, riêng Hoa Kỳ, chiếm quá nửa - hơn 4 kim ngạch của 4 khách hàng đứng sau cộng lại. Điều ấy minh chứng độ tinh xảo cùng với việc đảm bảo các chuẩn mực quốc tế của đồ gỗ Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Ảnh minh họa |
Hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu (NK) vài trăm triệu USD gỗ nguyên liệu từ rất nhiều nguồn, chủ yếu với gỗ tròn từ Hoa Kỳ, New Zealand, châu Phi, Úc, Chi Lê; gỗ xẻ cũng từ 5 quốc gia trên và thêm Nga. Một số DN lớn của Việt Nam đang mở xưởng xẻ tại các nước cung cấp gỗ chính cho Việt Nam như Cameroon, Gabon… Song gỗ từ châu Phi tiềm ẩn nhiều rủi ro, sẽ là rào cản trong việc đáp ứng các quy định về tính hợp pháp của gỗ theo Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU.
Trong nguồn gỗ nguyên liệu nội địa, gỗ từ cây cao su hết “đát”, đã có vai trò. Gỗ cao su thuộc nhóm VII, tỷ trọng nhẹ, lực chống kém, nhanh bị mối mọt, nên trước đây chẳng được quan tâm, đến khi được xử lý bằng công nghệ, nhất là khi gỗ tự nhiên ngày càng hiếm, đồ gỗ làm từ gỗ cao su lên đời. Mỗi năm, đã chế biến khoảng 4,5 - 5 triệu m3 gỗ cao su nguyên liệu, góp khoảng 15% tổng kim ngạch XK của ngành gỗ và là một trong ba mặt hàng XK chính của ngành cao su.
Một trong những điểm nhấn tạo sự thăng hoa của XK gỗ là một số DN đã chuyển hướng từ XK các sản phẩm đơn lẻ sang “XK không gian nội thất”, nghĩa là bộ trang trí nội thất bằng đồ gỗ, dựng một không gian sinh hoạt, phòng làm việc, quán ẩm thực sang trọng, thân thiện, chi phí đầu tư cao nhưng giá trị gia tăng lớn.
Trong số các tên tuổi đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam, Đài Loan đứng đầu, tiếp đó là Hồng Kông, Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc… 4 đối tác này chiếm 82% tổng số các dự án và 84% tổng số vốn đăng ký. Các DN FDI lập những công xưởng lớn, trang bị kỹ thuật mới, thu hút nhân lực trình độ cao, địa điểm vừa thuận tiện mang nguyên liệu tới vừa dễ dàng đưa hàng đi, trường vốn, đầu ra phần nhiều do tập đoàn mẹ lo… nên ưu thế trong sản xuất và XK. Trong kim ngạch XK G&SPG của Việt Nam sang Mỹ, các DN FDI chiếm gần 70%. Điều này đã lý giải vì sao số DN FDI chỉ chiếm 15% trong tổng DN ngành gỗ, nhưng đóng góp ngang ngửa vào XK G&SPG so với số DN nội địa, đông đảo tới 85%, là nhân tố quan trọng tạo nên sắc thái mới của ngành gỗ.
Trong đồ gỗ, phần bằng gỗ chỉ chiếm 35% trị giá, còn lại 65% là các vật liệu xen ghép phi gỗ, điều này đã làm nên gương mặt đồ gỗ thời mới đa dạng, nhiều công dụng, thỏa mãn thị hiếu thời thượng.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 hy vọng mang lại tăng trưởng cho XK của Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng. Theo đó, ngành gỗ Việt Nam sẽ được hưởng lợi về XK là ưu đãi thuế. Còn về NK, do EU đứng hàng đầu thế giới về thiết bị chế biến gỗ, sẽ được giảm thuế NK với thiết bị tạo “cú hích” đối với sản xuất đồ gỗ. Bên cạnh đó, với các quy chế liên quan đến gỗ nguyên liệu, Việt Nam có thể NK gỗ nguyên liệu hợp chuẩn EU từ quốc gia thứ ba để chế tác thành đồ gỗ, khi XK sang EU chẳng những không bị tầm soát về nguồn gốc mà còn được hưởng ưu đãi từ EV FTA, mang lại hat-trick cơ may: hiệu quả - giải “cơn khát” về nguyên liệu - yên tâm về xuất xứ.
Chuỗi ưu đãi khác với đồ gỗ tương tự với các ưu đãi dành cho mọi hàng hóa XK vào EU như: Thuận lợi hóa hải quan và thúc đẩy thương mại; được quyền tham gia và tiếp cận bình đẳng thị trường; chính sách, thể chế được cải thiện; minh bạch hóa quy trình xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mai; đổi mới DN; cam kết sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; cam kết tạo thuận lợi dịch chuyển nhân lực, thu hút chuyên gia kỹ thuật cao, thợ tay nghề giỏi, nhạy bén trên thương trường.
Tồn tại cũ cùng khó khăn mới
Các DN gỗ nội địa hạn chế từ năng lực quản lý - quy mô - trình độ kỹ mỹ thuật - vốn - lao động - đầu ra, chi phí logistics cao - sức cạnh tranh yếu… Nhiều xưởng gỗ vẫn nằm trong các thôn làng, bụi, rác, nước thải, tiếng ồn làm môi trường nông thôn thêm tồi tệ.
Việc bùng phát dịch viêm phổi cấp Covid-19 ảnh hưởng đến XK của ta sang Trung Quốc và NK từ thị trường này. Trong số các mặt hàng gỗ XK sang Trung Quốc chủ yếu là dăm gỗ tới gần 80% kim ngạch G&SPG. Từ ngày có dịch, các DN sản xuất giấy, bột giấy của họ phải dừng hoặc sản xuất cầm chừng, nên phía Trung Quốc ngừng hoặc dãn tiếp nhận dăm gỗ của Việt Nam. Ngược lại, ta phải NK từ Trung Quốc cả trăm triệu USD các loại ván gỗ cùng các phụ kiện cho sản xuất gỗ như dây đai, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất, kim loại, từ ngày phát dịch, việc cung cấp từ bên đó chật chưỡng.
Gần đây, Hoa Kỳ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm XK vào Hoa Kỳ. Nguy cơ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường này là rất lớn.
Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP... không tránh khỏi hàng nước ngoài trà trộn, giả mạo xuất xứ hàng Việt để XK, hưởng thuế suất 0%, nếu bị đối tác phát hiện, ngành gỗ sẽ bị áp thuế từ vài chục tới hàng trăm lần.
Nhận xét
Đăng nhận xét