Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tam giam nhóm đối tượng phá rừng chuyên nghiệp với diện tích lớn.
Chiều 31.8.2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tam giam đối với Võ Văn Tố (SN 1984), Nguyễn Hồng Bảo (SN 1986), Nguyễn Hữu Dũng (SN 1990), Mai Thanh (SN 1996), Trần Văn Mạnh (SN 1997), Đặng Tuấn Nam (SN 1989) và Đỗ Khắc Nam (SN 1997), cùng trú tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong để điều tra, làm rõ về hành vi hủy hoại rừng.
Thông tin ban đầu, khoảng tháng 11.2018, Tố có mua của một người dân khoảng 12 ha đất có rừng tại tiểu khu 1658 thuộc lâm phần do Công ty Thiên Sơn quản lý với tổng số tiền 240 triệu đồng. Quá trình mua bán Tố không có giấy tờ mà chỉ thỏa thuận miệng.
Đến tháng 7.2021, Tố đã thuê Nguyễn Hồng Bảo chặt phá rừng tại khu vực trên với giá 40 triệu đồng/ha. Nếu cưa hạ cây, dọn, đốt... để có thể canh tác ngay thì giá 70 triệu đồng/1ha. Sau đó, Bảo thuê lại Nguyễn Hữu Dũng chặt phá rừng với giá 35 triệu đồng/ha.
Sau khi thống nhất giá cả, từ ngày 15-18.7.2021, Nguyễn Hữu Dũng chuẩn bị cưa điện, dao phát rồi thuê Mai Thanh Dũng, Trần Văn Mạnh, Đặng Tuấn Nam, Đỗ Khắc Nam và một số đối tượng khác vào khu vực lô 5A92, khoảnh 6, tiểu khu 1658 do Công ty Thiên Sơn quản lý chặt phá được 1,286ha rừng sản xuất. Để tránh sự phát hiện, các đối tượng phân công người canh gác, cảnh giới và sử dụng cưa điện để tránh phát ra tiếng ồn...
Trung tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong cho biết, thủ đoạn của các đối tượng chặt phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép là rất tinh vi. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, có sự bàn bạc, thống nhất, phân công nhiệm vụ cụ thể từ chuẩn bị công cụ, phương tiện đến đối tượng canh gác, cảnh giới và chặt phá rừng.
Để tránh sự phát hiện, các đối tượng thường lựa chọn những thời điểm nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần hay thời điểm các cấp, các ngành đang tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19 để hoạt động. Các đối tượng chặt phá rừng vào thời gian gần sáng và sử dụng cưa điện để tránh việc phát ra tiếng ồn....
Cũng theo Trung tá Hùng, diện tích rừng bị phá chủ yếu ở một số dự án lâm nghiệp do doanh nghiệp quản lý, có dấu hiệu của việc buông lỏng quản lý, tiếp tay, làm ngơ.... Các đối tượng bị bắt là những đối tượng chuyên phá rừng thuê. Việc bắt các đối sẽ góp phần hạn chế được tình trạng chặt phá rừng. Hiện Công an huyện Đắk Glong đang củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Đọc bài gốc tại đây.
Nhận xét
Đăng nhận xét