Ba tháng tới là cơ hội cuối cùng trong năm nay với doanh nghiệp gỗ nội địa trong việc giữ khách hàng, họ đã phải bỏ lỡ nhiều đơn hàng bởi không thể duy trì sản xuất trong đại dịch.
Nhà máy sản xuất của gỗ Đức Thành (Nguồn: GDT). |
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ, tăng 31% so với năm 2019. Hiện thị trường Mỹ chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu nội thất và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam.
Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội thất Mỹ với kim ngạch đạt hơn 5 tỷ USD, cao hơn gần 2 lần so với nhà cung cấp lớn thứ hai là Trung Quốc; tăng 99% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu mua sắm các sản phẩm nội thất vẫn tăng nhanh ở nhiều thị trường, trong thời gian tới đơn hàng sẽ tiếp tục đổ về Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng từ nhà sản xuất không tương xứng bởi phần lớn nhà xưởng, người lao động trong ngành đều không thể duy trì hoạt động.
Năm ngoái, khi đại dịch bùng phát mạnh ở nước ngoài, các nhà mua hàng đến từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… vẫn duy trì đặt hàng đều đặn với Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành, một doanh nghiệp sản xuất đồ dùng nhà bếp lớn của Việt Nam.
Ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Gỗ Đức Thành cho biết, nhu cầu đặt hàng các sản phẩm gỗ trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng từ năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021, dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP.HCM và Bình Dương, cũng là những địa phương quy tụ phần lớn doanh nghiệp gỗ của cả nước. Đa phần doanh nghiệp trong ngành đã phải ngừng hoạt động và Gỗ Đức Thành là một trong số đó, bởi rủi ro lây nhiễm cho người lao động, khả năng bệnh trở nặng gây tử vong nếu chưa được tiêm ngừa, cùng chi phí sản xuất, quản lý doanh nghiệp gia tăng.
Còn tại Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, doanh nghiệp duy trì hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” với 25% công suất so với giai đoạn bình thường.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành cho biết, thực hiện mô hình này khiến mọi chi phí đều tăng rất cao, gồm chi phí xét nghiệm cho người lao động theo quy định; chi phí an ninh, ăn, ở, điện, nước cho người lao động làm “3 tại chỗ”; chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển (chủ yếu do vận chuyển quá khó khăn)…
Khu vực phía Nam là nơi thu hút khoảng 70% doanh nghiệp gỗ trên cả nước. Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, hơn 50% doanh nghiệp phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất từ khi làn sóng dịch lần thứ tư xuất hiện. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành gỗ đều không hoàn thành đơn hàng đã nhận hoặc phải giãn thời gian giao hàng.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản dự báo, nếu tình hình không được cải thiện thì doanh nghiệp ngành này phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) lo ngại về thành quả và nỗ lực phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam trong gần 2 thập kỷ qua có thể sẽ phải gây dựng lại từ đầu bởi tác động khủng khiếp từ đại dịch.
Qua trao đổi với đối tác nước ngoài, ông Khanh cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu có thể chờ đơn hàng từ phía Việt Nam trong thời gian khoảng 2 - 3 tháng tới. Nhưng chắc chắn, nếu thời gian phải chờ lâu hơn và không có câu trả lời từ phía đối tác, họ sẽ phải chuyển hướng, tìm nơi đặt hàng mới.
Chủ tịch HAWA cho rằng, doanh nghiệp cần minh bạch các thông tin dịch bệnh, có được sự chủ động riêng của mình để trả lời cho khách hàng kế hoạch phục hồi sản xuất. Nếu không có câu trả lời chính xác, sẽ khó giữ chân đối tác. Khi đó, đơn hàng có thể sẽ được chuyển sang quốc gia khác.
Lãnh đạo Gỗ Đức Thành và Gỗ Trường Thành cũng thẳng thắn nhìn nhận về khả năng lỡ mất cơ hội với nhiều đơn hàng trong thời gian tới.
Dù Gỗ Trường Thành vẫn duy trì đơn hàng xuất khẩu, nhưng nhà máy sản xuất ở mức công suất thấp nên họ chưa thể đáp ứng nhiều đơn hàng.
“Nói chung là việc đóng cửa ngừng sản xuất sẽ đỡ gây thiệt hại hơn làm 3 tại chỗ. Những nhà máy đang cố gắng làm chủ yếu là để giữ công nhân và khách hàng”, ông Tín nói.
Hầu hết các nhà máy làm nội thất trong nước đã sớm kín đơn hàng cho cả năm nay và lan sang năm 2022, nhưng hiện phải đàm phán với khách hàng để kéo giãn thời gian giao hàng. Cũng do vậy mà không ít khách hàng lớn đã chuyển đơn hàng qua Trung Quốc.
“Thị trường rất sòng phẳng và không chờ ai cả, nhất là thị trường B2B. Họ chờ mình để họ phá sản hay sao. Điểm đến của nhiều đơn hàng đã không còn ở Việt Nam”, ông Mai Hữu Tín thẳng thắn nói.
Gỗ Đức Thành vẫn duy trì cập nhật tình hình dịch bệnh thường xuyên với các khách hàng trung thành trên 10 năm như Lotte Mart, Continental, Nitori, Dong Yang International… Tuy nhiên, Tổng giám đốc Gỗ Đức Thành đang lo ngại khả năng đối tác không thể kéo dài thêm thời gian chờ đợi. Thêm vào đó là nguy cơ thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong thời gian tới có thể ảnh hưởng mạnh đến khả năng phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.
“Chúng tôi đang chờ hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành, đặc biệt là chính quyền TP.HCM về việc nới nỏng giãn cách ra sao từ ngày 15/9 để có thể nhanh chóng tái sản xuất”, ông Lê Hồng Thắng cho biết.
Nhận xét
Đăng nhận xét