Chiều 23/10, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với tên gọi 'Thiên tai - Chuyện của ai?'.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, nước ta liên tục xảy ra các sự cố thiên tai. Riêng trong tuần qua, đã có 3 người chết vì lũ cuốn trôi tại Gia Lai; hàng chục khu vực dân cư tại các tỉnh miền Trung đã và đang chìm trong nước lũ, nhiều trận sạt lở đã xảy ra tại một số địa phương đe doạ tính mạng của người dân. Những năm gần đây, thiên tai đã và đang ngày một xuất hiện dày đặc hơn & để lại những hậu quả ngày một nặng nề.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết, trong những năm gần đây, thiên tai xảy ra ở tất cả mọi nơi trên thế giới với tần suất nhiều hơn và mức độ tàn phá nặng nề hơn. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) năm 2021 đã đưa ra cảnh báo số lượng các thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần trong nửa thế kỷ qua và gây thiệt hại gấp 7 lần so với những năm 1970.
“Và nếu chúng ta phân tích kỹ hơn về các thiên tai lớn mà Việt Nam đang và sẽ đối mặt là Covid-19, bão lũ, biến đối khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, chúng ta sẽ thấy các hoạt động của con người đang làm cho các thiên tai hoặc là xảy ra nhanh chóng hơn, hoặc là gây ra hậu quả thảm khốc hơn.
Thời gian giữa các trận đại dịch ngày càng ngắn hơn, và có tới 40% số các đại dịch, liên quan trực tiếp đến việc con người phá rừng, đẩy các loài động vật hoang dã chứa các loại virus, vi khuẩn - nguồn lây bệnh vào gần hơn với con người. Các khu rừng bị khai thác cạn kiệt, bị tàn phá, không thể bảo vệ ta khi bão lũ. Chúng ta xả thải CO2 khiến biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh và gây ra nhiều hậu quả khủng khiếp hơn. Và các thiên tai càng trở nên thảm khốc hơn, xuất phát từ việc con người muốn chế ngự và kiểm soát thiên nhiên”, bà Huyền phân tích.
PGS.TS Viên Ngọc Nam, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về Quản lý rừng ngập mặn, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM chia sẻ, bản thân đã chứng kiến nhiều sự thay đổi khôn lường của thiên nhiên trong nhiều thập kỷ qua. Trước năm 1975, nguyên nhân chủ yếu khiến mất rừng là chiến tranh, bão và mưa lớn cũng xảy ra nhưng rất ít lũ quét. Từ những năm 1975 đến 1990, đây cũng là thời kỳ chúng ta đẩy mạnh khai thác rừng tự nhiên để phục hồi kinh tế sau chiến tranh, các hậu quả xói mòn, sạt lở, lũ quét đã trầm trọng hơn, tuy nhiên, thời kỳ này, biến đổi khí hậu còn chưa rõ rệt, chưa có tác động mạnh.
Những năm 1995-2000 là thời kỳ bùng nổ của các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đặc biệt là sự phát triển ào ạt, thiếu kiểm soát của các công trình thủy điện nhỏ. Nhà máy thủy điện có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh trong mùa khô.
Tuy nhiên, trong thực tế, các thủy điện nhỏ hoạt động với hệ số công suất rất thấp, không đáp ứng hết nhu cầu điện và cả nhu cầu tưới tiêu. Trong khi đó, quá trình xây dựng các thủy điện nhỏ đã khiến cho diện tích lớn các khu rừng bị tàn phá. Các nhà máy thủy điện cũng khiến cho cơ cấu địa chất ở các vùng đối núi, vốn đã không ổn định, càng trở nên nhạy cảm hơn, khiến các vụ sạt lở xảy ra ngày một thường xuyên và nghiêm trọng hơn…
“Chứng kiến những sự thay đổi và tác động khốc liệt của thiên tai, tôi thấy chúng ta cần phải dựa vào thiên nhiên mà sống, không nên làm điều gì trái với quy luật tự nhiên. Trồng rừng đặc biệt là trồng rừng đúng cách, đúng loài, đúng đặc điểm sinh thái của từng khu rừng chính là một trong những cách hiệu quả nhất để ứng phó và giảm thiệt hại của thiên tai.
Việc tăng cường nhận thức của người dân, của quan chức đối với tầm quan trọng của việc khôi phục các hệ sinh thái và giảm thiệt hại thiên tai cũng đặc biệt quan trọng, bên cạnh các giải pháp thiết yếu như thiết lập hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai, tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hay hạn chế các loại khí nhà kính do việc sử dụng xăng dầu trong đi lại, vận hành máy móc, canh tác, chăn nuôi”, PGS.TS Viên Ngọc Nam nhấn mạnh.
Thơm Đặng, một bạn trẻ có nhiều hoạt động môi trường truyền cảm hứng, trong đó bao gồm việc tổ chức giải chạy để cùng góp cây cho rừng đầu nguồn Xuân Liên cùng Gaia cho rằng, chính các hoạt động của con người như phá rừng, tiêu thụ quá mức, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên... đang khiến cho thiên tai xảy ra ngày một nhiều và nặng nề hơn. “Mỗi bạn trẻ ở thế hệ của mình cũng đều có thể hành động, không cần chờ đợi. Nếu nói hơi cường điệu, thì mỗi bạn đều có thể chọn để trở thành người hùng tiếp theo, hay cam chịu là nạn nhân tiếp theo”, Thơm Đặng nói.
Buổi Tọa đàm “Thiên tai - Chuyện của ai” là một hoạt động thuộc khuôn khổ chiến dịch “Trồng rừng giảm thiệt hại thiên tai" với nhiều buổi tọa đàm, cuộc thi và các chương trình trồng rừng đặc dụng, đầu nguồn khắp Việt Nam.
Bạn đang đọc bài viết Thiên tai - Chuyện của ai? tại chuyên mục Trồng rừng của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Nhận xét
Đăng nhận xét