Đó là rừng cây trắc quý hiếm, gia tài tiền tỷ của người dân tộc Ba Na ở làng A Lao, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai). Để giữ gìn rừng gỗ trắc quý hiếm, các cấp chính quyền và người dân làng A Lao đã tích cực gìn giữ, chăm sóc và nhân giống loại gỗ quý này.
Clip: Cận cảnh góc rừng gỗ trắc quý hiếm của người dân tộc Ba Na ở làng A Lao, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai).
Rừng gỗ trắc quý hiếm của người Ba Na
Trắc là gỗ nhóm 1 ở Việt Nam, thuộc loại gỗ quý hiếm. Cây trắc phát triển tương đối chậm, lúc nhỏ chịu bóng, lớn lên ưa sáng. Tại Gia Lai hiện nay diện tích trắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một trong những ngôi làng Ba Na sở hữu rừng trắc quý hiếm chính là làng A Lao, ngôi làng nằm tách biệt dưới chân núi Lơ Pang. Ngoài việc trồng mỳ, ở làng A Lao nhà ít thì trồng vài trăm gốc, có nhiều nhà sở hữu hàng nghìn cây trắc. Khi khó khăn đau ốm, người dân chỉ cần bán một vài cây là đủ chi tiêu trong gia đình.
Đồi Tchre được xem là nơi tập trung nhiều cây trắc nhất của làng A Lao với hàng ngàn cây trắc nằm san sát nhau. Có những cây trắc thân to hơn bắp đùi người, cao chừng 4 - 5m, còn những cây non thì nhiều vô kể. Cây trắc mọc thành từng hàng, trồng xen trong vườn rẫy của người dân. Thấy được giá trị của cây trắc, nhiều hộ dân dành luôn cả mảnh vườn để trồng trắc.
Chỉ tính riêng quả đồi Tchre đã có 4 hộ dân, gồm Yoh, Mưm, Hnghiệp, Lư. Mỗi hộ đều sở hữu cho mình vườn trắc trị giá hàng tỷ đồng. Trong đó, vườn ông Yok và anh Mưm là lớn nhất.
Trò chuyện với PV, anh Mưm (sống tại làng A Lao) cho hay: "Riêng làng A Lao có 180 hộ nhưng nhà nào cũng trồng cây trắc. Cây trắc của các hộ gia đình không nằm tập trung mà rải rác nhiều nơi. Từ những cây trắc mọc tự nhiên trong vườn, gia đình tôi đã tách các cây trắc con để trồng thêm. Đến nay, gia đình sở hữu khoảng 2.000 cây trắc, từ 15 - 20 năm tuổi, nhiều cây có đường kính gốc hơn 30 cm. Mỗi khi có công chuyện gia đình sẽ bán vài cây lớn từ với giá hàng chục triệu đồng/cây".
Tương tự anh Mưm, anh Yok - Trưởng thôn ở làng A Lao hiện cũng đang sở hữu 2.500 cây trắc trên diện tích 3 ha, với tuổi thọ khoảng 15 năm. "Ngày trước, bao quanh làng đều là cây trắc, sau đó trắc mất dần nên người dân trồng mỳ, cà phê thế chỗ trắc. Tưởng rằng đã tuyệt chủng giống gỗ quý, ấy vậy mà những cây trắc non lại mọc lên rất nhiều trong vườn rẫy. Biết cây quý, người dân làng bắt đầu giữ lại để gây giống và chăm sóc. Chỉ vài năm nữa thôi, làng A Lao sẽ phất lên nhờ cây gỗ quý này…", anh Yok kỳ vọng.
Dân làng A Lao gìn giữ và bảo vệ gia tài tiền tỷ
Nhiều người dân trong và ngoài tỉnh cũng đến hỏi mua các loại cây trắc lớn nhỏ để về làm gỗ hoặc di thực làm cây cảnh. Trước đó, vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên người dân làng A Lao đã bán một phần cây trắc trong vườn để trang trải chi phí.
Điển hình năm 2019, ông Biên (người dân làng A Lao) đã bán 10 cây trắc con với giá 70 triệu đồng cho người dân ở TP.Pleiku mua về trồng làm cảnh. Nhờ số tiền này, ông Biên đã mua được ti vi, tủ lạnh, xe công nông và sửa lại căn nhà.
"Rẫy mình nhiều cây trắc nên bán bớt để mua sắm đồ dùng phục vụ cuộc sống hàng ngày. Số cây lớn mình vẫn giữ để phòng khi gia đình có việc hoặc dành cho con cháu sau này", ông Biên bộc bạch.
Nhận thấy giá trị cao từ cây trắc, người Ba Na ở làng A Lao đã có ý thức bảo vệ và nhân giống loại cây gỗ quý. Nhờ vậy, diện tích cây trắc trong làng A Lao nói riêng và huyện Mang Yang nói chung tăng lên đáng kể. Hơn thế, biết được cây trắc trồng càng lâu năm thì giá trị càng cao nên hiện nay người dân làng A Lao rất ít khi bán mà tích cực chăm sóc và bảo vệ. Bên cạnh đó, người dân thường xen canh một số loại cây khác như mỳ, bời lời…với phương châm lấy ngắn nuôi dài.
Ông Trần Minh Hoàng - Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Lơ Pang cho hay: "Trắc là cây rừng nhưng được nhiều hộ dân trồng trên đất nông nghiệp của gia đình. Điều đó đồng nghĩa người dân sẽ được hưởng lợi từ việc trồng và chăm sóc loại cây gỗ quý này. Hiện nay huyện Mang Yang rất chú trọng tới công tác trồng rừng. Do vậy, chúng tôi luôn khuyến khích dân tiếp tục bảo vệ những cánh rừng trắc và trồng thêm mới để bảo tồn nguồn gen".
Nhận xét
Đăng nhận xét