TP - Gần 20.000ha rừng Động Châu - Khe Nước Trong ở vùng Tây Nam tỉnh Quảng Bình thuộc hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ được ví như “viên ngọc quý của Việt Nam”, vì tính đa dạng sinh học và nhiều loài đặc hữu nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, việc bảo vệ viên ngọc quý này đang gặp rất nhiều khó khăn do nạn phá rừng và săn bắt trộm.
Độc nhất vô nhị
Một ngày đầu Đông, cùng với một người dân bản địa, chúng tôi tiến vào khu rừng Khe Nước Trong. Trong ánh nắng ban mai hiếm hoi xuyên qua kẽ lá, chim hót líu lo, vượn hú gọi bầy, từng đàn khỉ chuyền cành như cách báo hiệu cho đồng loại có người lạ xâm nhập.
Người dẫn đường (người Vân Kiều, sống trong khu vực Khe Nước Trong) cho biết, thỉnh thoảng bò tót lởn vởn quanh bản để làm bạn với bò nhà. Những thế hệ trước đây vẫn thường xuyên chạm trán hổ, voi, báo, mèo rừng, sói lửa... Gỗ quý hiếm như lim, gõ, trầm hương… hiện diện khá dày đặc ở khu vực này. Đặc biệt, nơi đây còn có một số loài sâm bản địa có tác dụng trị bệnh rất tốt mà các nhà khoa học đang nghiên cứu vi lượng bên trong đó nhằm nhân giống.
Chuyên gia bảo tồn Lê Trọng Trãi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam cho biết: “Chúng tôi dùng bẫy ảnh và thu nhận hình ảnh mới nhất cá thể bò tót trưởng thành. Điều tra theo dấu chân thì phát hiện có thêm con non vì có dấu chân nhỏ hơn. Người dân bản địa nói, họ thấy chúng về gần nguồn khe Bang”.
Bò tót trong chương trình bẫy ảnh của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt |
Bà Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt, hào hứng nói: “Về đa dạng sinh học khu vực Khe Nước Trong, tôi nói cả ngày không chán. Không chỉ một loài, hai loài mà theo khảo sát những năm gần đây của Thiên nhiên Việt và Bird Life (Tổ chức bảo tồn chim quốc tế) thì khu này cực kỳ quan trọng cho ba nhóm loài: Móng guốc, tiêu biểu là sao la, linh trưởng, khu hệ chim. Loài tiêu biểu thứ 2 là loài mang lớn, tình trạng bảo tồn của nó rất nguy cấp theo Sách Đỏ của IUCN, tương đương với sao la. Mang lớn đã ghi nhận gần 10 cảnh ảnh với nhiều cá thể, đây là quần thể bền vững, có thể phát triển được. Ngoài ra, còn những loài khác như mang Trường Sơn mới được phát hiện trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Khe Nước Trong có đến 9 loài linh trưởng với 8 loài trong Sách Đỏ thế giới, trong đó có 3 loài ở mức bảo tồn nguy cấp gồm vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, vọoc gáy trắng. Chúng có quần thể đông đúc đáng ngạc nhiên với giới bảo tồn. Phải nói Khe Nước Trong là viên ngọc quý của Việt Nam, có một không hai, nên cần phải gìn giữ cho con cháu mai sau”.
Cần cấp bách bảo vệ
Qua điều tra khu hệ thực vật tại Động Châu, nhóm chuyên gia thực vật của Viện Điều tra quy hoạch rừng ghi nhận 54 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng ở tỉnh Quảng Bình thực hiện 30 đợt đặt bẫy ảnh ở khu rừng Động Châu - Khe Nước Trong trên phạm vi hơn 130 km2. Với 33.500 ngày đêm hoạt động của máy bẫy ảnh, thu được trên 36.000 ảnh động vật và ghi nhận 71 loài động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có 32 loài thú, 37 loài chim và 2 loài bò sát.
Các nhà khoa học đánh giá, Động Châu - Khe Nước Trong là một trong số rất ít nơi ở miền Trung còn rừng ẩm thường xanh trên đất thấp ít bị tác động. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm nối Việt Nam và Lào.
Quý hiếm là vậy, nhưng Khe Nước Trong đang bị nạn săn trộm tấn công khiến cho các loài động thực vật, linh trưởng, chim chóc bị áp lực rất lớn. Dọc đường Hồ Chí Minh nhánh tây ở hai xã Ngân Thủy, Kim Thủy, thỉnh thoảng người ta bán thịt các loài thú săn trộm được trong rừng Động Châu - Khe Nước Trong. Nhiều nhất là loài mang, một loài quý hiếm, bị cấm săn bắt nhưng người dân không hay biết. Mang đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng ở khu vực này.
Bà Tuấn Anh xót xa kể: “Năm 2002, Bird Life ghi nhận sao la ở Khe Nước Trong, đáng tiếc là ghi nhận hộp sọ một con sao la bị bẫy trước đấy 2 tuần. Khi bọn mình đến thì sọ ấy còn máu đỏ”.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho biết, khu vực rừng Động Châu - Khe Nước Trong đã được công nhận là Khu dự trữ thiên nhiên vào năm 2020. Tuy nhiên, công tác bảo vệ đang gặp rất nhiều khó khăn, do diện tích rừng lớn mà lực lượng lại mỏng. Ngoài ra, người dân bản địa, đa số là đồng bào dân tộc Vân Kiều, sống chủ yếu dựa vào rừng. Đây cũng là một trở ngại lớn trong công tác bảo vệ khu vực rừng quý hiếm này.
Năm 2017, khi chúng tôi đưa một đoàn cứu trợ người Hàn Quốc về phát quà cho đồng bào Vân Kiều trong khu vực này, vị trưởng đoàn nói: “Các bạn đang sở hữu một di sản xanh mà hiếm nước nào có được. Khu rừng này nếu ở đất nước chúng tôi, nó sẽ là mỏ vàng cho du khách khắp thế giới đổ về ngắm cảnh. Các bạn bảo vệ tốt, thế giới sẽ ngưỡng mộ. Thật hiếm gặp một nơi như thế”.
Đọc bài gốc tại đây.
Nhận xét
Đăng nhận xét