VTV.vn - Những phế phẩm ngành gỗ dự kiến có thể đem về từ 450 - 500 triệu USD giá trị xuất khẩu khi được dùng để sản xuất thành mặt hàng viên nén.
"Phế phẩm" ngành gỗ được dùng sản xuất viên nén
Củi vụn, dăm bào, mùn cưa, đầu mẩu, cành ngọn gỗ... đều là những phế phẩm của ngành sản xuất gỗ tại Việt Nam. Tưởng chừng chỉ là đồ bỏ đi nhưng những phế phẩm này dự kiến lại có thể đem về từ 450 - 500 triệu USD giá trị xuất khẩu khi được dùng để sản xuất thành mặt hàng viên nén. Đây là một loại chất đốt năng lượng sạch, có thể thay thế cho than, xăng, dầu... phù hợp trong hành trình xanh hoá, bảo vệ môi trường của nhiều quốc gia.
Công ty Cổ phần Smart Wood Việt Nam bắt đầu xuất khẩu viên nén gỗ từ năm 2013. Chỉ trong vòng 8 năm, đơn hàng viên nén gỗ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đã tăng gấp 18 lần.
Ông Nguyễn Ba Duy - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Smart Wood Việt Nam cho hay: "Hiện tại chúng tôi đã ký với Nhiệt điện bên Hàn Quốc đến tháng 6/2022".
Trực tiếp bán thương mại viên nén gỗ với các nhà máy nhiệt điện Nhật Bản, Hàn Quốc, một đơn vị cho biết, những quốc gia này đặt mục tiêu trở thành nước không khí thải từ năm 2050. Trong đó, viên nén dự kiến sẽ đáp ứng 38% tổng nhu cầu năng lương tại Nhật Bản vào năm 2030.
"Năm nay chúng tôi dự tính sẽ ra khoảng 550.000 tấn, tương đương gần 20% của thị trường Việt Nam", ông Nguyễn Hoàng Tân - Phó Chủ tịch Phụ trách khối châu Á về năng lượng, Tập đoàn Cellmark, Thuỵ Điển cho hay.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, viên nén nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới và dự báo mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong xu hướng sử dụng nhiên liệu sạch.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho hay: "Chúng ta có thể thu được 450 - 500 triệu USD. Việt Nam có lợi thế so sánh trong việc sản xuất viên nén này bởi vì chủ yếu nguyên liệu đầu vào cho viên nén hiện nay đang sử dụng phế thải mùn cưa, dăm bào, bìa bóc…".
9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 2,6 triệu tấn viên nén, dự báo cả năm xuất khẩu sẽ đạt khoảng 3,2 triệu tấn.
Tháo gỡ các "nút thắt" để xuất khẩu viên nén gỗ "được mùa được giá"
Nguyên liệu đầu vào không kén chọn, các cơ sở chế biến không cần phải đầu tư quá hiện đại về công nghệ. Do đó, ngành viên nén gỗ được dự báo sẽ tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xuất khẩu đạt cả về lượng và giá, ngành gỗ cần phải có chiến lược kinh doanh, phát triển tổng thể và bài bản hơn.
Một xưởng sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc cho biết, khâu đấu thầu để bán hàng cho nhà máy nhiệt điện bên Hàn Quốc phải qua một trung gian thương mại.
"Chúng tôi là một công ty nhỏ để xuất khẩu sang các nước bạn phải qua bên thương mại. Chúng tôi đang mong muốn tự liên hệ được với bên nước bạn để làm việc", ông Cấn Văn Hiếu - Giám đốc Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Trung Hiếu, Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội cho hay.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị các chứng chỉ rừng trồng để xuất khẩu viên nén chất lượng cao, giá cao sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu. Trong khi, không ít cơ sở lại sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, kém chất lượng, cạnh tranh thiếu công bằng.
Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends cho hay: "Nếu doanh nghiệp cùng cam kết với nhau để thực hiện tiêu chuẩn chất lượng sẽ làm tăng chất lượng. Điều này đem lại lợi thế cạnh tranh về giá cho sản phẩm này của Việt Nam".
Nhà nước rất khuyến khích sản phẩm viên nén vì đã biến phế phẩm, phụ phẩm bỏ đi của ngành gỗ thành thu nhập cho người lao động.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Nhà nước rất khuyến khích sản phẩm viên nén vì đã biến phế phẩm, phụ phẩm bỏ đi của ngành gỗ thành thu nhập cho người lao động. Ngành lâm nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, với mục tiêu đạt được 10 triệu ha vào năm 2030. Điều này sẽ góp phần nâng giá trị đầu vào nguyên liệu.
"Mỗi một chứng chỉ kèm theo một phương án và hồ sơ rất chặt chẽ. Từ đó, chúng ta sẽ quản lý được là trong một khu rừng có chứng chỉ này sản lượng khu rừng là bao nhiêu, kế hoạch khai thác cụ thể thế nào. Vì vậy, việc có gỗ trà trộn hoặc chứng chỉ không phù hợp, chứng chỉ giả sẽ không xảy ra được", ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục Trưởng - Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.
Hiện nay, Việt Nam đã phát triển được hệ thống cấp chứng chỉ rừng trồng của Việt Nam có liên thông với hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế. Các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn để chuẩn bị chứng chỉ rừng bền vững, tạo lợi thế khi xuất khẩu.
Nhận xét
Đăng nhận xét