Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho rằng 2 tháng cuối năm xuất khẩu gỗ thường có kết quả khả quan và có thể đạt 1,2 tỷ USD mỗi tháng.Tăng trưởng đầu năm 2022 sẽ không cao nhưng từ tháng 6 trở đi, xuất khẩu sẽ tốt hơn.
Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) đưa ra góc nhìn về ngành gỗ trong những tháng cuối năm triển vọng trong năm 2022.
- Ngành gỗ đã trải qua làn sóng Covid-19 lần thứ 4 như thế nào, thưa ông?
- Ngành gỗ ở đây gồm cả xuất khẩu và nội địa. Về xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch tăng 67,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Những tháng sau đó, xuất khẩu giảm, chỉ đạt khoảng 1/2 so với thời kỳ trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4.
Từ đầu tháng 10, sản xuất đã phục hồi. 95% doanh nghiệp đã vận hành. Khoảng 70-75% công nhân đã đi làm. Với những doanh nghiệp chuẩn bị tốt, có đến 95% nhân sự đã trở lại công việc.
Vấn đề lớn của ngành hiện tại là chi phí đầu vào. Trong đó, giá gỗ nguyên liệu rất cao. Giá trong nước chỉ tăng khoảng 15% từ đầu năm đến nay nhưng các loại nhập khẩu thì tăng rất cao. Bên cạnh đó, giá sơn cũng leo thang do tác động của thị trường dầu mỏ. Tính từ đầu tháng 10, giá mặt hàng này đã tăng 15%. Giá bao bì cũng cao hơn so với mức bình thường.
Về thị trường nội địa, mảng trang trí nội thất đã hồi phục đáng kể. Tuy nhiên, nội thất cho xây dựng, dự án vẫn còn chậm. Nhưng về nội thất trang trí, nhu cầu tốt vì nhiều người do làm việc ở nhà nên muốn tân trang lại nhà cửa.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM. Ảnh: HAWA |
- Theo ông, mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD có phải là điều xa vời không?
- Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), lũy kế 10 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu của gỗ và các sản phẩm từ gỗ là 12,08 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hai tháng cuối năm thường có kết quả khả quan và có thể đạt 1,2 tỷ USD mỗi tháng. Do đó, mục tiêu 14,5 tỷ USD cho ngành gỗ năm nay là hoàn toàn có cơ sở.
Vẫn còn nhiều thành thức
- Những rào cản của ngành gỗ từ nay đến cuối năm là gì, thưa ông?
- Rào cản đầu tiên, theo tôi, là nguyên liệu đầu vào. Giá nguyên vật liệu tăng cao khiến các doanh nghiệp chỉ dám ký những đơn hàng ngắn hạn dù đơn hàng dài hạn nhiều. Bên cạnh đó, họ phải tính toán rất kỹ các chi phí đầu vào.
Thứ hai, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp phải tính toán sao cho duy trì lực lượng nhân sự tương đối. Nếu thiếu một người thì sẽ mất tính đồng bộ, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất.
Tôi nghĩ, sau Tết nhân lực ngành gỗ mới quay trở lại mức trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Và giả sử, đầu năm tới, nhân công có thiếu thì khi đó, vấn đề cũng không quá quan trọng vì doanh nghiệp sẽ tìm cách cơ khí hóa để bù đắp lại.
Thứ ba, giá cước vận chuyển cũng là thách thức. Giá cước tăng cao trong thời gian vừa qua và khách hàng sẽ có xu hướng chọn những đơn hàng gần hơn. Mà thị trường chính của ngành gỗ Việt Nam là châu Âu, Mỹ.
Đương nhiên, việc chuyển đơn hàng không dễ, hoặc những nước khác họ không xây dựng được chuỗi cung ứng gần thì họ phải đặt xa. Nếu khách hàng muốn chuyển đơn, họ cũng cần thời gian. Nhưng nếu logistics không ổn kéo dài thì nguy cơ trên sẽ cao và Việt Nam cần tính toán để cạnh tranh với Ba Lan, Mexico về lâu dài.
Thứ tư, chuyện quan hệ Mỹ - Trung cũng là một vấn đề. Xuất khẩu gỗ của Trung Quốc không còn mạnh như trước kia vì chịu thuế suất từ Anh, Mỹ. Nhưng nếu đến một ngày, họ được giảm thuế thì mức cạnh tranh của Trung Quốc sẽ tăng cao hơn.
Nguyên liệu đầu vào đang là thách thức lớn đối với ngành gỗ. Ảnh: Báo Công Thương |
- Thiếu lao động đang là bài toán chung của doanh nghiệp của không riêng ngành gỗ. Theo ông, cần có những chính sách gì để mời gọi công nhân trở lại và giữ chân họ?
- Về nhân lực, tôi nghĩ ngành gỗ thiếu nhưng không đến mức 30%. Do Covid-19, nhiều người ở khu vực miền Nam trở về quê nhưng tại một số tỉnh miền Tây, nhà máy gỗ, mây tre đang hoạt động. Tôi nghĩ ngành sẽ không mất quá nhiều lao động vì nhân công cho ngành gỗ có những kỹ năng nhất định và thu nhập khá tốt.
- Làm thế nào để đảm bảo nguyên liệu đầu vào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
- Theo tôi, về ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể tìm các lô hàng tồn kho của các cơ sở đang có vấn đề về tài chính và tăng cường kiểm soát việc mua hàng.
Về dài hạn, Việt Nam nhập khoảng 30% gỗ nguyên liệu từ Mỹ, châu Âu, Brazil.... Nếu muốn mua với giá thấp, các doanh nghiệp Việt phải mua cùng nhau, có kế hoạch sử dụng chung để lấy hàng với số lượng lớn. Như vậy, giá sẽ rẻ hơn.
Muốn mua số lượng lớn phải đảm bảo 2 điều kiện là mua cùng nhau và phải có sẵn nguồn tài chính.
- Với năm 2022, ông nhận định triển vọng ngành gỗ như thế nào?
- Tôi nghĩ, thời gian đầu 2022, thị trường sẽ vẫn còn trầm lắng vì chưa có hội chợ và xúc tiến thương mại. Tăng trưởng đầu năm sẽ không cao nhưng từ tháng 6 trở đi, tôi tin, xuất khẩu sẽ tốt hơn.
Tổng cục Lâm nghiệp dự đoán kim ngạch xuất khẩu sang năm sẽ ở mức 15,5 tỷ USD. Nhưng tôi tin con số sẽ cao hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 945 triệu USD, tăng mạnh 35,6% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này là 12,08 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường chính như Mỹ (7,2 tỷ USD), Trung Quốc (1,24 tỷ USD), Nhật Bản (1,16 tỷ USD). |
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Thị trường gỗ- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét