Kinhtedothi - Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 4.688 vụ xâm phạm hoặc gây ảnh hưởng tới rừng (chủ yếu là rừng tự nhiên) với tổng diện tích bị phá là 610ha (giảm 50% so với cùng kỳ năm trước).
Thực trạng này đặt ra yêu cầu bức thiết là phải có biện pháp ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng.
Những cánh rừng tiếp tục bị “xẻ thịt”
Tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi hủy hoại rừng, liên quan đến 4.400m2 rừng phòng hộ ở xã H’bông, huyện Chư Sê, bị tàn phá. Số diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá này thuộc tiểu khu 1061 do xã xã H’bông, huyện Chư Sê, quản lý.
Ngoài quyết định khởi tố vụ án, toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được Hạt kiểm lâm huyện Chư Sê chuyển sang Công an huyện Chư Sê để tiếp tục điều tra, làm rõ. Trước đó, vào tháng 9/2021, tại khu vực xã H’bông cũng để xảy ra vụ phá 34 ha rừng ở tiểu khu 1065. Số diện tích rừng và đất rừng này phần bị lâm tặc chặt cây, san ủi để trồng bạch đàn trái phép. Đến nay, vụ việc này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giai đoạn năm 2020 - 2022, diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên và nhiều nơi vẫn tiếp tục giảm do nạn phá rừng, hoặc chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang rừng sản xuất, làm nương rẫy, các dự án làm đường giao thông, thủy điện, du lịch... Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 4.688 vụ xâm phạm hoặc gây ảnh hưởng tới rừng (chủ yếu là rừng tự nhiên) với tổng diện tích bị phá là 610ha (giảm 50% so với cùng kỳ năm trước).
Hiện nay cả nước có gần 15 triệu hecta rừng, trong đó có 10,2 triệu hecta rừng tự nhiên. Trong khi rừng tự nhiên sụt giảm nhanh chóng thì biến đổi khí hậu, mưa ngập, lũ lụt ngày càng hoành hành ở nước ta. Việc chặt phá rừng bừa bãi là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm bởi hậu quả nghiêm trọng của nó mang lại như biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, môi trường bị ô nhiễm, lũ lụt, cháy rừng…
Xử lý nghiêm các hành vi hủy hoại rừng
Ngày 18/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Trong đó, chấn chỉnh tình trạng san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng; xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, nhất là trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên; chỉ đạo hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp đặc biệt là các hành vi hủy hoại rừng.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, đối với hành vi phá rừng, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phá rừng trái pháp luật được quy định tại Điều 20 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, việc xử phạt hành chính đối với hành vi đốt rừng sẽ phải căn cứ vào tình trạng của rừng; loại rừng và diện tích rừng bị đốt mà quyết định xử phạt với mức phạt từ 3 triệu đồng đến 200 triệu đồng; đi kèm với đó là các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, hành vi phá rừng trái phép còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại rừng theo Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Bên cạnh đó, khi pháp nhân thương mại phạm tội, Bộ luật Hình sự cũng có các hình phạt tương ứng đối với hành vi trái pháp luật này. Như vậy, có thể thấy khung hình phạt đã có, tuy nhiên, nạn phá rừng vẫn diễn ra ở không ít địa phương trên cả nước. Công tác ngăn chặn, xử lý của các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa kịp thời và phát huy hiệu quả, để hàng trăm héc ta rừng bị tàn phá nặng nề.
“Do đó, theo tôi, rất cần những giải pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn nạn phá rừng. Trước hết, cần tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật bảo vệ rừng. Luật Bảo vệ và phát triển rừng ra đời đã đáp ứng được phần nào đòi hỏi bức thiết trong công tác đấu tranh phòng chống hành vi hủy hoại rừng, thế nhưng, Luật vẫn còn những tồn tại, thiếu sót nhất định.
Cùng với đó, phải tăng cường hoạt động quản lý hành chính Nhà nước và của các cơ quan bảo vệ rừng. Đặc biệt là tuyên truyền, nâng cao ý thức của mỗi người dân, tích cực báo tin, tố giác tội phạm khi phát hiện các vụ việc, hoặc nghi có hành vi phá rừng nhằm ngăn chặn kịp thời” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.
Nhận xét
Đăng nhận xét