Hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên có diện tích rừng tự nhiên lên tới gần 350 nghìn ha, trong đó, có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, rừng sản xuất quy hoạch là rừng tự nhiên. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ, nhưng thời gian qua, tình trạng phá rừng tự nhiên ở hai tỉnh này vẫn diễn ra.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do lợi nhuận từ trồng rừng mới lớn hơn so với nhận khoán bảo vệ, trong khi đó, kinh phí chi trả khoán bảo vệ quá thấp không tương xứng với công sức người dân bỏ ra.
Nhức nhối phá rừng
Từ ngày 13 đến 18/1/2022, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) phát hiện tại 16 lô rừng với diện tích hơn 57 ha thuộc địa phận các thôn Phiêng Lằm và Bản Nhài, xã Bản Thi bị phá trái phép. Tổng cộng đã có 122 cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ với khối lượng hơn 31 m3, đã vận chuyển đi hơn 22 m3. Tại hiện trường, có 27 gốc cây bị chặt có đường kính từ 15-22 cm; có 64 gốc có đường kính từ 24-38 cm và có 31 gốc đường kính từ 40-60 cm.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn, trong số 16 lô rừng bị phá trái phép có hai lô là rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ. Trong đó, 15 lô rừng đã được giao cho các hộ gia đình quản lý và một lô giao cho UBND xã Bản Thi quản lý. Qua điều tra sơ bộ, cuối tháng 1/2022, Công an huyện Chợ Đồn đã mời 16 đối tượng tình nghi lên làm việc, qua đó, đã xác định được 5 đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi phá rừng tại các lô rừng nói trên. Công an huyện đang tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc.
Đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng phá rừng tự nhiên trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Riêng đối với thôn Phiêng Lằm và Bản Nhài, lực lượng kiểm lâm đã ký cam kết bảo vệ rừng đối với 66/70 hộ dân hai thôn. Ban quản lý Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Chợ Đồn đã giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ giai đoạn 2019-2023 cho cộng đồng và các hộ dân trong thôn trên diện tích 230 ha với mức 400 nghìn đồng/ha/năm. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, riêng tại hai thôn này, tình trạng người dân lén lút vào rừng khai thác trái phép gỗ tự nhiên trên diện tích đã nhận khoán vẫn thường xuyên diễn ra. Lực lượng kiểm lâm đã xử lý bảy vụ việc phá rừng trái phép tại đây, tịch thu hơn 31 m3 gỗ.
Cuối năm 2021, rừng phòng hộ tại khu vực xóm Văn La 2, xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) bị các đối tượng khai thác trái phép mở đường lên rừng, tiến hành khai thác gỗ trên diện tích 0,34 ha. Đã có 36 cây gỗ các loại bị cắt hạ, trong đó 5 cây có đường kính gốc 20 cm, 21 cây có đường kính gốc từ 20 đến 30 cm và 10 cây có đường kính gốc hơn 30 cm. Những cây gỗ này đã được cắt thành 205 khúc, dài từ 1 đến 2 mét, tổng khối lượng là 13 m3. Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa xác định, chủ rừng là gia đình bà Hà Thị Thời, xóm Văn La 2, xã Lam Vỹ. Bà Thời đã bán gỗ cho một người ở địa phương, người này tổ chức khai thác trái phép.
Hạt trưởng Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa Nguyễn Đức Thắng cho biết: Khu vực rừng phòng hộ bị khai thác trái phép có địa hình hiểm trở, xa khu dân cư. Chúng tôi đã tập trung lực lượng để xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan, kể cả kiểm lâm địa bàn để xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường bám, nắm địa bàn, tham mưu cho chính quyền địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự.
Trong năm 2021, Bắc Kạn đã phát hiện, xử lý 210 vụ phá rừng trái phép, tổng diện tích thiệt hại hơn 66 ha. Con số này tăng 53 vụ, diện tích thiệt hại tăng 17,42 ha so với năm 2020, chủ yếu trên diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Còn tại Thái Nguyên, xảy ra 127 vụ khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.
Thiếu kinh phí khoán bảo vệ
Chấn chỉnh việc xâm hại rừng tự nhiên, lực lượng chức năng hai tỉnh đã triển khai nhiều đợt truy quét, xử lý trên diện rộng. Trong năm 2021, lực lượng kiểm lâm hai tỉnh đã thu giữ 799 m3 gỗ các loại, trong đó có 23 m3 gỗ quý hiếm; xử lý hình sự ba vụ; xử lý hành chính nộp ngân sách 6,4 tỷ đồng.
Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên Lê Cẩm Long cho biết: Thời gian gần đây, đơn vị tổ chức 24 đợt truy quét để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức 530 buổi tuyên truyền bảo vệ rừng ở các địa bàn có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nhằm tăng cường nhận thức cho chính quyền cơ sở và người dân. Đơn vị sẽ tiếp tục duy trì các cuộc tuần tra, truy quét, tăng cường nắm tình hình để quản lý, kịp thời ngăn chặn các vụ vi phạm; đồng thời coi trọng tuyên truyền, vận động để bảo vệ rừng bền vững; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Một trong những giải pháp chính để bảo vệ rừng được coi là hiệu quả mà Bắc Kạn và Thái Nguyên đã triển khai là khoán bảo vệ tới cộng đồng dân cư và các hộ dân sống gần rừng. Mức khoán bảo vệ hiện tại là 400 nghìn đồng/ha/năm. Tuy nhiên, việc thiếu kinh phí để khoán được toàn bộ diện tích cộng với việc phí chi trả khoán quá thấp đã cản trở việc nhân rộng chính sách này, khiến việc giữ rừng tự nhiên càng khó khăn.
Trong năm 2021, Bắc Kạn giao khoán bảo vệ hơn 58.645 ha rừng phòng hộ, hơn 16.638 ha rừng sản xuất. Tuy nhiên, tỉnh mới chỉ bố trí được kinh phí để chi trả tiền giao khoán bảo vệ đối với diện tích chuyển tiếp thuộc các xã khu vực I (hơn 7.948 ha). Những diện tích giao khoán các xã khu vực II, khu vực III hiện chưa bố trí được kinh phí. Tỉnh Thái Nguyên đã ký hợp đồng nguyên tắc giao khoán bảo vệ gần 8.400 ha rừng nhưng vì chưa có kinh phí nên cũng không triển khai được.
Trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước đang đóng cửa rừng tự nhiên, người dân được giao đất có rừng tự nhiên, nhưng chỉ được khai thác, sử dụng lâm sản ngoài gỗ, cho nên thu nhập của người dân sống gần rừng thấp. Kinh phí khoán từ nguồn của Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, nhưng hiện tại chương trình này đã kết thúc và vẫn đang chờ chương trình giai đoạn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số có hợp phần dành cho khoán bảo vệ rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay, chương trình này chưa triển khai cụ thể nên chưa có kinh phí. Để khoán bảo vệ hết toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, Bắc Kạn cần đến khoảng 100 tỷ đồng/năm, Thái Nguyên cần khoảng vài chục tỷ đồng/năm là một bài toán khó.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, tỉnh nghèo như Bắc Kạn không có đủ nguồn lực để dành kinh phí cho khoán bảo vệ rừng. Hiện tại, mức khoán bảo vệ không tương xứng với công sức người dân và thời giá. Điều bất hợp lý là người dân sống gần rừng, giữ rừng, nhưng lại chưa được hưởng lợi từ rừng, dẫn tới mâu thuẫn giữa việc phát triển kinh tế với mục tiêu giữ rừng tự nhiên. Do vậy, tỉnh kiến nghị Trung ương cần nghiên cứu xây dựng chính sách khoán bảo vệ phải tương xứng để người dân yên tâm giữ rừng; đồng thời có quy định cụ thể phân loại rõ ràng những diện tích rừng nào được phép cải tạo, trồng bổ sung để người dân có cơ hội làm giàu từ rừng, từ đó phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng toàn cầu đã cam kết ngăn chặn hoàn toàn nạn phá rừng vào năm 2030. Như vậy, nếu không sớm có cơ chế, giải pháp về chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng thì việc thực hiện chỉ tiêu trên ở hai tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh có rừng nói chung sẽ khó trở thành hiện thực.
Nhận xét
Đăng nhận xét