QUẢNG TRỊ22 người dân thôn Hồ lập thành Ban bảo vệ rừng, mỗi tháng luân phiên đi tuần 4 lần để giữ gìn 868 ha rừng tự nhiên đầu nguồn.
Một sáng đầu tháng chạp, anh Hồ Văn Phiếu, 32 tuổi, ở thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, dậy sớm hơn mọi ngày, ăn thật no để cùng 5 thành viên khác đi tuần rừng theo tuyến 3.
7h, anh Phiếu có mặt ở đầu thôn Hồ, tập hợp đủ người rồi phổ biến nhanh nhiệm vụ. Mỗi người mang theo bao tải hoặc gùi tre đựng dao đi rừng, áo mưa và nước uống. Tuyến tuần rừng hôm nay mọi người có thể trở về vào trưa nên không ai mang theo đồ ăn.
Sinh ra, lớn lên gắn bó với khu rừng tự nhiên đầu nguồn, từ nhỏ anh Phiếu theo cha ông vào rừng hái măng, lá cây về làm thực phẩm, chặt tre dựng nhà và làm nhiều đồ dùng gia đình. Trong chiến tranh, rừng che chở cho dân làng Hồ tránh bom đạn, khi hòa bình thì cho nguồn nước uống, canh tác, thuốc chữa bệnh...
Gìn giữ cánh rừng với anh Phiếu và nhiều người dân Vân Kiều khác là giữ cội nguồn, gốc tích. Năm 2017, khi nhà nước giao bảo vệ 868 ha rừng tự nhiên đầu nguồn cho thôn Hồ và có chủ trương thành lập Ban quản lý rừng cộng đồng, anh đã xung phong tham gia.
Thôn có 85 hộ dân, chia làm 2 tổ bảo vệ gồm 14 người và 8 người Ban quản lý, trong đó có 2 phụ nữ. Hàng tháng, họ luân phiên đi tuần ở nhiều tuyến trong rừng để kiểm tra, phát hiện dấu vết của động vật, sạt lở đất hoặc khai thác gỗ trái phép. Khi thấy dấu vết lạ, nhóm chụp ảnh làm báo cáo gửi kiểm lâm.
Hiện khu rừng còn nhiều động vật như khỉ, hươu, nai, rắn, các cây gỗ quý như dổi, dẻ, chân chim... đường kính đến một mét, cao hàng chục mét. Mỗi tháng, nhóm anh Phiếu đi tuần 4 lần, xuất phát lúc sáng sớm và trở về vào buổi chiều. Thỉnh thoảng, ở một số tuyến xa, các thành viên mang theo xoong nồi, gạo thức ăn, bạt và võng ngủ để ở lại trong rừng một đêm.
Sau khoảng một tiếng men theo suối, tại khu vực Xoi Ca Ti sát mép nước, nhóm anh Phiếu phát hiện một số bụi cây đót nát ngọn. Anh Hồ Văn Liêu, 26 tuổi, thành viên trong nhóm, đếm được khoảng 10 bụi cây bị bẻ ngọn, lá bắt đầu héo. Từ các dấu vết như cây bị gãy còn tươi, số bụi cây bị bẻ ngọn, anh Liêu ước đoán có 3-5 con khỉ về ăn cây, từ 3-4 ngày trước.
Ở khu vực đất mềm sát suối, nhóm phát hiện dấu chân sơn dương, chồn và một số điểm sạt lở núi. Là thành viên nữ, chị Hồ Thị Son, 30 tuổi, được phân công ghi chép, miêu tả các dấu vết. "Tuần rừng rất vui vì giúp tôi biết thêm cây gỗ quý và động vật. Tôi đã gặp khỉ, rắn trong một số lần tuần tra", chị Son kể.
Thường xuyên đi tuần rừng, tổ bảo vệ cũng đối mặt với nhiều hiểm nguy. Mùa mưa đường trơn trượt, rắn, vắt nhiều. Năm 2018, ở tuyến Khe Liều, anh Liêu bị con rắn lục đuôi đỏ cắn vào bàn chân phải. Anh lấy dây buộc vào bắp chân để độc không lan rộng, bàn chân sau đó sưng to, đôi mắt mờ. Người trong nhóm đã thay nhau cõng anh về trạm y tế xã, mất khoảng 4 tiếng.
"Con rắn nằm dưới bụi cây, tôi vừa đi vừa phát dọn đường nên không để ý. Sau vụ đó, tổ bảo vệ nhắc nhau phải mang theo gậy khua khoắng cho rắn bò đi rồi mới băng qua", anh Liêu nói. Đây là sự cố nghiêm trọng nhất của tổ bảo vệ rừng từ trước đến nay.
Buổi tuần rừng kết thúc lúc đầu giờ chiều. Cả nhóm đi qua cánh đồng lúa nước xanh mướt mới gieo sạ của người dân trong thôn. Chính cánh rừng đã cung cấp nguồn nước để người dân làm 2 vụ lúa mỗi năm mà không cần hệ thống thủy lợi. Nguồn nước này cũng được người dân sử dụng để sinh hoạt.
Ông Bùi Văn Duẩn, Hạt trưởng Kiểm lâm Hướng Hóa, đánh giá người dân thôn Hồ chung tay bảo vệ rừng rất tốt. "Chúng tôi vẫn thường xuyên phối hợp tuần tra rừng với bà con. Từ khi giao rừng đến nay, thôn Hồ chưa để xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào", ông Duẩn thông tin.
Nhờ bảo vệ tốt rừng đầu nguồn, hàng năm người dân thôn Hồ nhận được 640 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường. Cuối năm, số tiền này được chia đều cho 85 hộ dân, dù nhiều người không tham gia Ban quản lý rừng. "Người dân không tham gia, nhưng không phá rừng, giúp báo tin, hỗ trợ mình giữ rừng. Và khi mình không tham gia Ban quản lý nữa thì sẽ có người khác vào thay thế", Hồ Văn Phiếu giải thích về cách chia tiền.
Tháng 8/2021, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Hồ được kết nạp vào Hội chứng chỉ rừng Quảng Trị; được Ủy ban Y tế Hà Lan (MCNV) tập huấn xây dựng năng lực, quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, khai thác bền vững nhóm lâm sản ngoài gỗ như tre, song mây, tập huấn sơ cấp cứu khi đi rừng và cấp một số đồ bảo hộ như túi sơ cứu, ủng, áo mưa, chăn ấm.
Đến tháng 11/2021, cây tre trong rừng thôn Hồ được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Việc nhận chứng chỉ giúp người dân thôn có thể khai thác tre để bán với giá cao hơn so với tre thông thường. Năm 2022, tổ chức MCNV sẽ giúp người dân thôn Hồ đạt chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái, từ đó có thể bán tín chỉ carbon, hoặc thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ doanh nghiệp du lịch. Nhờ đó người dân có thêm thu nhập, hưởng lợi nhiều hơn từ rừng.
Nhận xét
Đăng nhận xét