Lại một “mùa xuân là Tết trồng cây” đã đến. Khắp các địa phương miền Bắc và miền Trung náo nức ra quân. Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ thì chuẩn bị cho mùa trồng mới đầu mùa mưa.
Quả là vui như “Tết trồng cây”, nhưng có ai không biết, để cho cây lên xanh thành vườn, thành rừng là bao tháng ngày mồ hôi, công sức. Và có ai không đau xót khi được chứng kiến, được biết đến nhiều cánh rừng nguyên sinh cực kỳ quý giá còn lại vẫn bị chặt hạ, tàn phá. Và cả máu đã đổ để giữ rừng.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hưởng ứng Tết trồng cây. Ảnh: Việt Hà |
Văn hóa trồng cây phải gắn với văn hóa bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng. Văn hóa sống xanh có thể ví trồng cây, sống xanh là gốc, tiêu dùng xanh là ngọn. Có một thực tế nghịch lý là trong khi gian nan, vất vả gây rừng, bảo vệ rừng thì trong vai người tiêu dùng vẫn luôn có những bộ phận người dân lại ưa thích, săn tìm các sản phẩm từ gỗ quý, gỗ tự nhiên. Trong khi văn hóa trồng rừng theo thời gian ngày càng được nâng cấp. Giờ đây, không chỉ trồng cây để có được màu xanh, lấy bóng mát đơn thuần mà công phu hơn là lấy cây quý, gỗ quý, hoa trái chất lượng cao. Trồng cây để tái tạo, tôn tạo, bảo vệ, phát triển rừng, giữ rừng, giữ nước, chống sạt lở... Vậy mà ở các đô thị, những dãy dãy cửa hàng bán đồ gỗ tự nhiên, gỗ thịt cứ mọc ra chen chúc. Bởi người ta vẫn lấy làm hãnh diện khi nhà mình có nội thất sang trọng, hiếm quý. Đồ gỗ quý với họ là tiêu chí đương nhiên thể hiện vị thế của chủ nhà và còn là thứ truyền lại cho đời con, đời cháu. Thứ văn hóa tiêu dùng đồ gỗ xưa cũ ấy hiện vẫn chưa bị coi là lỗi thời nếu như không nói vẫn là thời thượng. Đây chính là nguồn cơn để nạn lâm tặc săn chặt cây quý tồn tại, kèm đó là nạn săn bắt chim rừng, thú rừng, lâm sản.
Khía cạnh khác của nghịch lý trồng rừng và phá rừng mới chỉ xuất hiện mấy chục năm trở lại đây, đó là Việt Nam dần trở thành công xưởng chế biến gỗ, xuất khẩu các mặt hàng gỗ vào loại có tiếng của thế giới. Mấy năm gần đây, giá trị hàng hóa này đã ngang bằng và vượt lên so với xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản. Những mặt hàng xuất khẩu đó theo chuẩn của các hiệp định thương mại tự do phải là gỗ rừng trồng với xuất xứ rõ ràng. Ở đây, văn hóa tiêu dùng đồ gỗ của các nước phát triển rõ ràng đã khác xa với văn hóa tiêu dùng gỗ thịt, gỗ tự nhiên của chúng ta. Trong khi ở ta coi trọng những đồ dùng, nhất là đồ gỗ “thiên niên vạn đại” thì ở họ, các gia đình thích thay đổi bàn ghế, tủ giường dăm bảy năm, thậm chí chỉ ba năm đã thay mới để phù hợp sở thích và khỏi lỗi mốt. Thói quen, sở thích, thẩm mỹ thì không có chuyện đúng hay sai. Chỉ chắc chắn một điều, xã hội càng dùng nhiều gỗ công nghiệp, gỗ rừng trồng thì rừng tự nhiên, rừng trồng quý càng được bảo tồn.
Sự khác biệt thì vẫn cứ còn, song những tín hiệu đan xen, hội nhập văn hóa tiêu dùng đã nảy nở, phát triển khá nhanh tại Việt Nam. Các mặt hàng gỗ công nghiệp ngày càng phổ biến. Cùng đó là những nội thất sắt thép, nhựa, kính nhôm... Tất cả đều giá rẻ, các đồ dùng lại chống mối mọt tốt hơn gỗ thịt. Triển vọng sáng rõ là càng sau mẫu mã càng đẹp. Còn lúc này đây, những gia đình bình thường cũng có đồ đạc mới sáng nhà sáng cửa hẳn lên.
Nhận xét
Đăng nhận xét