Trong 4 mặt hàng gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì tủ gỗ là mặt hàng bị DOC khởi xướng điều tra đầu tiên.
Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tủ gỗ từ Việt NamRủi ro từ các vụ kiện phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó |
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Dù chủ động, linh hoạt với vụ kiện lần này của DOC, tuy nhiên, việc này cũng sẽ gây nhiều mệt mỏi cho doanh nghiệp ngành gỗ. Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, đến thời điểm này, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được những kết quả như thế nào?
Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tháng 5/2022, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 5/2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
Một trong những công đoạn sản xuất tủ gỗ của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (tỉnh Bình Định) |
Chúng tôi cũng đang tổng hợp số liệu 6 tháng đầu năm ngành gỗ và dự kiến đầu tháng 7 này sẽ công bố. Còn riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, hiện thị trường này chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Đáng chú ý, sau khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với tủ bếp, tủ nhà tắm đối với Trung Quốc thì nhà mua hàng của Hoa Kỳ sang Việt Nam để đặt hàng, các nhà máy của Trung Quốc cũng chuyển dịch sang Việt Nam để đầu tư. Do đó, Việt Nam đang là thị trường chủ lực trong việc cung cấp các sản phẩm tủ gỗ cho thị trường Hoa Kỳ.
Sau khi lùi thời hạn khởi xướng điều tra vào ngày 23/5 thì mới đây ngày 6/6, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, phía Hiệp hội có những bước chuẩn bị như thế nào đối với động thái này của DOC?
DOC vừa thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia với cả hai nội dung trong đơn đề nghị của nguyên đơn về xem xét phạm vi sản phẩm (scope ruling) và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (anti-circumvention) với sản phẩm tủ gỗ.
Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, Bộ Thương mại Hoa Kỳ phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.
Nếu các vụ kiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trước đây thì họ áp dụng tỷ lệ nội địa hóa nhất định để xem xét. Tuy nhiên, với vụ kiện này, họ áp dụng theo phạm vi sản phẩm. Theo đó, họ căn cứ vào vụ việc gốc.
Cụ thể, năm 2019 Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tủ gỗ của Trung Quốc. Năm 2020, Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu họ điều tra thấy các sản phẩm nằm trong nhóm nhập khẩu nguyên chiếc hay bộ phận tủ gỗ có dấu hiệu từ Trung Quốc “tuồn sang” Việt Nam và xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Nếu nằm trong phạm vi đấy thì Hoa Kỳ sẽ áp thuế như tương tự đối với Trung Quốc.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam |
Hiện, doanh nghiệp sản xuất tủ gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đang nằm trong 3 nhóm gồm: sử dụng nguyên liệu gỗ trong nước là chính và có 1 phần nhỏ liên quan đến ván plywood, ván veneer của Trung Quốc; doanh nghiệp có mua nguyên liệu ở Trung Quốc và dưới dạng nguyên liệu nhưng không phải ở dưới dạng định dạng sản phẩm (như gỗ xẻ, ván ép plywood chưa ra định hình); thứ ba là nguyên liệu nhập dưới dạng chi tiết định dạng nhưng chưa bào gọt cắt (giống như khung tủ, cửa tủ).
Trong đó, doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu thuộc dạng chưa định dạng chiếm khoảng 50%; 30 - 40% doanh nghiệp sử dụng một phần nguyên liệu định dạng nhập từ Trung Quốc; số còn lại là doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng ở Việt Nam.
Về việc này, chúng tôi cũng đã nắm bắt thông tin từ trước đó và có những bước chuẩn bị nhất định. Trước khi DOC khởi xướng, Hiệp hội cũng đã mở các phiên họp với các Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp ngành gỗ, đồng thời, cũng đã thuê luật sư. Cơ quan chức năng và phía luật sư cũng đã gợi ý cho chúng tôi trong việc làm các báo cáo.
Đồng thời, chúng tôi cũng họp với hiệp hội gỗ của Hoa Kỳ, cũng như phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Cục Phòng vệ thương mại cũng đã gửi có báo cáo mẫu sơ bộ cho Hiệp hội và chúng tôi cũng đã gửi các doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, dự kiến, trong tuần này chúng tôi sẽ có bước chuẩn bị để trả lời nội dung thứ nhất liên quan đến vấn đề xem xét phạm vi sản phẩm (scope ruling). Nội dung thứ hai lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (anti-circumvention) thì chúng tôi sẽ triển khai sau đó.
Được biết, cùng với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ông còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (tỉnh Bình Định) với thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ cùng với sản phẩm chủ lực là tủ bếp, với vụ việc trên sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp, thưa ông?
Mặc dù phía DOC cho biết đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì việc xuất khẩu gỗ vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính cũng phải chịu điều tra, giải thích và nhiều việc khác nữa. Mọi việc đang đi đúng hướng, tuy nhiên, rõ ràng việc này gây nhiều mệt mỏi cho doanh nghiệp, đơn hàng giảm kèm theo nhiều thứ đi theo.
Như đối với Công ty Tiến Đạt, với nguồn nguyên liệu đầu vào là gỗ rừng trồng trong nước do đó, với vụ kiện lần này chúng tôi được cho sẽ không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, tôi cho rằng, doanh nghiệp như chúng tôi vẫn sẽ chịu những tác động nhất định bởi phía Hoa Kỳ có thể áp dụng thuế tạm thời hoặc giảm đơn hàng…
Thị trường các nhà phân phối cạnh tranh khốc liệt tại Hoa Kỳ và tác động đến nhà sản xuất trong đó có Việt Nam.
Do đó, chúng tôi khuyến khích và động viên tất cả các hội viên liên quan làm mặt hàng tủ gỗ dù có tên hay không có tên trong danh sách cũng nên tự nguyện tham gia khai báo, gửi thông tin để phản biện, làm rõ. Bởi vì nếu doanh nghiệp không tham gia ngay từ đầu, doanh nghiệp sẽ không có cơ hội chứng minh doanh nghiệp mình làm đúng và sau này cũng sẽ không có bất kỳ cơ hội nào khác để chứng minh. Còn sau khi đã đưa các phản biện, điều trần, phía DOC sẽ chọn một số doanh nghiệp để điều tra sâu hơn hoặc trả lời tiếp các câu hỏi sau đó, đây sẽ là câu chuyện tiếp theo.
Vào ngày 22/4/2022, Liên minh Tủ bếp Hoa Kỳ (AKCA) đã gửi đơn yêu cầu DOC Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 23/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra thông báo lùi thời hạn khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế mặt hàng tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 6/6/2022. Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 2/2020 với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến 293,45%. |
Xin cảm ơn ông!
Nhận xét
Đăng nhận xét