VOV.VN - Tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, có một khu rừng thiêng được người dân vùng cao gọi với cái tên "Khu rừng ông Năm Công”.
Nơi đây từng là căn cứ Liên khu ủy V, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Liên khu ủy V - Võ Chí Công đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1959-1964), thực hiện thắng lợi bước đầu về Đường lối chiến lược của Cách mạng miền Nam trong những năm 1960. Ghi nhớ công lao của đồng chí Võ Chí Công (7/8/1912), đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã cùng nhau bảo vệ khu rừng này, gìn giữ chứng tích lịch sử trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Đến huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhiều người không khỏi bất ngờ khi ngay tại trung tâm huyện lại có một khu rừng nguyên sinh rộng 30 héc ta, được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Từ cổng Khu Di tích lịch sử Quốc gia Liên Khu ủy V và Ban Quân sự Khu V đi bộ hơn 30 phút đường núi đến đền thờ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, hiện ra trước mắt nhiều cây cổ thụ hơn một trăm năm tuổi, đường kính từ 4 đến 5 người ôm không xuể.
Khu rừng này từng chở che cán bộ, chiến sĩ Liên khu ủy V trong giai đoạn ác liệt của kháng chiến chống Mỹ. Chị Hồ Thị Hạ, ở thôn 2 xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ thuở nhỏ, mỗi khi lên “rừng ông Năm Công”, chị được cha mẹ dặn dò rất kỹ không được chặt phá bất kỳ cây rừng lớn nhỏ nào. Chưa cần đến các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, các thế hệ người dân Nam Trà My cứ thế truyền nhau nhiệm vụ bảo vệ khu rừng thiêng này.
Chị Hồ Thị Hạ cho biết: “Rừng này là rừng của ông Năm Công, họ không chặt nên mình cũng không chặt, không ai đi vào rừng mà dám cầm dao, cầm rựa hết. Chúng tôi chỉ đi hái rau thôi chứ ai dám phá rừng, cũng không dám chặt cây luôn.”
Năm 1959, vùng núi Nước Là thuộc xã Trà Mai, huyện Nam Trà My được Liên Khu ủy V và Ban Quân sự Liên Khu V chọn làm căn cứ địa đầu tiên với tên gọi Mật khu Đỗ Xá. Thời gian này, đồng chí Võ Chí Công – Bí thư Liên khu ủy V về sống tại đây để lãnh đạo cách mạng. Bí thư Liên khu ủy V đã chỉ huy cán bộ, chiến sĩ và phát động quần chúng phá thế kèm kẹp, mở rộng căn cứ miền núi, đẩy mạnh hoạt động xuống đồng bằng, tăng cường lực lượng, mở rộng hành lang. Dưới dự lãnh đạo của đồng chí Võ Chí Công, quân và dân Liên khu ủy V đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15 (1959) của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II, góp phần mở đường cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Hồ Văn Ni, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, từng có thời gian chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Bí thư Liên khu ủy V Võ Chí Công nhớ lại, những năm tháng kháng chiến tại căn cứ Nước Là, đồng chí Võ Chí Công, lúc bấy giờ với tên gọi Võ Toàn, luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân, được đồng bào các dân tộc yêu thương, đùm bọc. Ông Hồ Văn Ni kể lại: Đồng chí Võ Chí Công thường xuyên xuống cơ sở vận động và trực tiếp tăng gia sản xuất với người dân, bảo đảm hậu cần vững chắc phục vụ kháng chiến.
“Rừng này là nơi bác Năm Công từng sinh sống ở đây để vận động bà con tham gia cách mạng, cho nên mỗi lần đến với Di tích Liên Khu ủy V thì ai cũng nhớ bác Năm Công, nhớ khu rừng bác Công. Từ khi chia tách huyện Trà My, chúng tôi trực tiếp chỉ đạo, vận động bà con không được phá rừng, không được phát rẫy. Vừa bảo vệ rừng, vừa giữ nguyên vẹn di tích này để con cháu sau này luôn ghi nhớ về lịch sử”- Ông Hồ Văn Ni nói.
Sau năm 1964, vùng giải phóng được mở rộng, Khu ủy Khu V chuyển xuống vùng Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam nhưng khu rừng ông Năm Công vẫn được người dân Nam Trà My gìn giữ, bảo vệ. Năm 2003, huyện Nam Trà My đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch công nhận Khu Di tích lịch sử Khu ủy và Ban Quân sự Khu V thành khu di tích lịch sử quốc gia. Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My, từ khu rừng ông Năm Công, người dân Nam Trà My càng hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng. Đến nay, tổng diện tích rừng nguyên sinh của Nam Trà My hơn 43 ngàn héc ta, chiếm trên 62% tổng diện tích rừng của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ: “Bà con thấy rằng, giữ được khu rừng bác Năm Công còn nguyên sinh như vậy đã bảo vệ được môi trường rừng của cả huyện Nam Trà My. Hiện nay chúng tôi nhân rộng ra tất cả các xã khác tiếp tục giữ vững môi trường sinh thái chính vì vậy mà huyện Nam Trà My phát triển được cây sâm Ngọc Linh.”
Sinh thời, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công luôn trăn trở về đời sống của đồng bào các dân tộc nơi chiến khu xưa. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, những cánh rừng nguyên sinh từng chở che bộ đôi, nuôi giấu cán bộ cách mạng nay vẫn được gìn giữ, đời sống người dân miền núi đã nâng cao đáng kể nhờ trồng các loại dược liệu dưới tán rừng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương sẽ lấy mô hình quản lý, bảo tồn khu rừng ông Năm Công làm hình mẫu để nhân rộng ra các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam: “Ý nghĩa vô cùng to lớn để thấy được sự tôn vinh, tri ân của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với bác Năm Công. Qua đây, góp phần phát động và lan tỏa trong thế hệ trẻ Quảng Nam bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường.”/.
Nhận xét
Đăng nhận xét