Quảng Bình - Nhiều năm trở lại đây, trồng rừng lấy gỗ đang là xu hướng phát triển bền vững được nhiều người dân ở vùng núi thuộc tỉnh Quảng Bình thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ sinh thái, rừng phòng hộ đầu nguồn.
Là một trong những người đầu tiên tham gia vào dự án trồng rừng gỗ lớn, anh Trần Xuân Vinh (ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) bắt đầu trồng rừng từ năm 2004. Đến nay, anh Vinh đã trồng được 2ha rừng dổi trong tổng số 10ha đất rừng của mình, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh.
Theo anh Trần Xuân Vinh, trồng rừng gỗ lớn giúp bảo vệ rừng đầu nguồn, có thể trồng xen các loài cây ngắn hạn, có giá trị kinh tế cao nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, vừa có thể để lại cho mai sau.
“Trồng cây dổi về tương lai có thể vừa lấy thân cây, vừa lấy hạt, việc trồng cây dổi có kinh tế cao hơn cả cây keo. Hạt sau khi bán rồi đi mua phân bón về bón tiếp cho cây, phần còn lại thì vẫn còn có lãi”.
Hơn 10 năm có mặt tại đất rừng Minh Hóa, những cây trám, cây dổi, cây lim… đã thích ứng với vùng đất này. Qua nhiều đợt bão lũ, nếu keo, tràm, caosu thường xuyên bị gãy đổ thì những loại cây này vẫn đứng vững. Cây gỗ lớn được trồng đầu nguồn, phù hợp với việc phòng hộ và tái sinh và người dân cũng có thể thu được nhiều sản phẩm từ quả, nhựa, lấy gỗ…
Theo tìm hiểu, vào tháng 10.2019, tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025, thực hiện trên diện tích rừng trồng, đất lâm nghiệp được quy hoạch rừng sản xuất và rừng trồng là rừng sản xuất ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Theo ông Hoàng Thanh Bình - Phó Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa, huyện đã có những chính sách phù hợp vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích bà con trồng rừng gỗ lớn là những loài cây bản địa nhằm khôi phục những giống cây đang bị suy kiệt.
Trong năm 2022 này, từ những đề xuất của các hộ gia đình Phòng Lao động Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các phòng trong đó có Nông nghiệp và Ủy ban Mặt trận để xem xét việc đưa cây dổi lấy hạt cho các hộ gia đình trồng. Đồng thời, tới đây khi có nguồn vốn giảm nghèo 2022 sẽ cấp hỗ trợ phát triển sản xuất, nghiên cứu để làm mô hình trồng cây gỗ lớn.
Với lộ trình này, đến năm 2025, vùng rừng trồng nguyên liệu của tỉnh Quảng Bình sẽ có hơn 100.000ha rừng, trong đó, diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 16.200ha.
Theo ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, Sở đang rà soát, thống kê số lượng và hiện trạng phát triển của cây trám, cây dổi, lim… tại huyện Minh Hóa. Sau khi đánh giá toàn diện sẽ cân nhắc, lựa chọn hướng đi phù hợp cho những loại cây này để phát huy hiệu quả về kinh tế cho bà con và mục tiêu trồng rừng phòng hộ, rừng tái sinh.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã bố trí kinh phí để thực hiện 5 mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng tại vùng núi các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Hiện nay, diện tích trồng rừng tại tỉnh Quảng Bình vẫn đang được đảm bảo với tỷ lệ che phủ rừng cao đạt 68%, đứng thứ 2 trên cả nước.
Với kinh tế từ cây gỗ lớn đem lại, đời sống người dân tại vùng núi huyện Minh Hóa nói riêng và các vùng khác nói chung đang ngày càng được ổn định và phát triển. Diện tích trồng rừng được tăng cao, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ rừng đầu nguồn.
Nhận xét
Đăng nhận xét