Với nhiều lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế rừng, những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng sản xuất, đồng thời phát triển mạnh các cơ sở chế biến lâm sản.
Nhờ vậy, đời sống cho người dân không ngừng nâng cao, thị trường tiêu thụ trong nước, hướng tới xuất khẩu không ngừng mở rộng.
Tỉnh Phú Thọ đã mạnh dạn đưa giống mới vào sản xuất, chuyển đổi dần sang mô hình trồng cây gỗ lớn. Bằng cách làm này, năng suất, chất lượng rừng từng bước được nâng lên, đem lại thu nhập cao cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục cho ngành chế biến lâm sản trên địa bàn.
*Nâng cao giá trị rừng
Gia đình ông Hà Ngọc Quyến tại xã Đông Cửu huyện Thanh Sơn là một trong những gia đình đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá trong vài năm trở lại đây nhờ đầu tư trồng rừng sản xuất. Trước đây toàn bộ hơn 10 ha đồi rừng của gia đình chủ yếu là trồng sắn và trồng cây bản địa nên giá trị đem lại không cao. Năm 2017, cùng với chủ trương của huyện chuyển đổi diện tích vườn tạp sang phát triển rừng, gia đình ông mạnh dạn đưa giống cây keo hạt ngoại, cây mỡ vào trồng.
Sau hơn 4 năm trồng diện tích rừng của gia đình ông sinh trưởng và phát triển rất tốt. Khác với những đợt thu hoạch trước, đợt trồng rừng này gia đình ông sẽ kéo dài chu kỳ khai thác lên 10 - 12 năm. Theo tính toán của ông Quyến, với việc kéo dài này, sau 5 - 6 năm nữa đồi cây của gia đình sẽ mang lại nguồn thu gấp hai lần hiện nay.
Ông Đinh Ngọc Sơn tại xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn chia sẻ, với quyết tâm sống được từ rừng, gia đinh ông đã triển khai mô hình trang trại tổng hợp. Đến nay, gia đình có gần 30 ha gỗ lớn bằng các giống cây keo hạt ngoại, mỡ giống mới. Bên cạnh đó, ông kết hợp hơn 2.000 gốc thanh long ruột đỏ cho thu hoạch trên 10 tấn quả/năm. Ngoài ra, gia đình ông Sơn kết hợp chăn nuôi bò, gà..., nâng tổng thu nhập lên hơn 400 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Sơn cho biết, Thanh Sơn là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng lớn với hơn 45 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm 73% diện tích đất tự nhiên. Những năm qua, huyện Thanh Sơn đã triển khai nhiều giải pháp đưa kinh tế đồi rừng trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Thành công nhất là mô hình chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Sơn, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, khai thác ở năm thứ 5 - 6 chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.
Khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, hầu hết các cây đều đạt đường kính từ 18 cm trở lên, sản lượng đạt từ 200 - 240 m3/ha. Rừng được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tương đương 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng.
Đến nay diện tích rừng sản xuất trên địa bàn huyện đạt 31 nghìn ha, độ che phủ rừng duy trì đạt 50%; trong đó, huyện Thanh Sơn đã chuyển đổi được gần 2.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao; đưa sản lượng gỗ khai thác đạt 169.740 m3; doanh thu của các trang trại hơn 70 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân trên 200 triệu đồng/trang trại.
*Hỗ trợ nhân rộng
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm cây giống, chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh hại và hạn chế suy thoái đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tuy nhiên để nhân ra diện rộng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, phần lớn người trồng rừng vẫn duy trì lối canh tác cũ bởi lý do thiếu vốn, nhu cầu thị trường lại cần nguồn nguyên liệu. Ở nhiều địa phương có diện tích rừng lớn, đời sống người dân ở những vùng trọng điểm về lâm nghiệp của tỉnh hiện còn khó khăn, thu nhập từ ngoài rừng chưa đảm bảo cho cuộc sống. Điều này khiến người dân chủ yếu chỉ đầu tư trồng rừng gỗ nhỏ, thu hoạch nhanh để quay vòng vốn, có thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày, chứ chưa mạnh dạn đầu tư cho rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, để ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, tỉnh Phú Thọ vừa ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Với chính sách mới này, tất cả hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình sẽ được hỗ trợ lần 1 khi rừng đạt từ 6 năm tuổi trở lên và đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa gỗ lớn, mức hỗ trợ 7 triệu đồng/ha; hỗ trợ lần 2 sau 3 năm thực hiện hỗ trợ lần 1, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ 1 lần 70% chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững; mức hỗ trợ tối đa 300 nghìn đồng/ha… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, tương xứng với tiềm năng sẵn có tại địa phương.
Cùng với phát triển cây gỗ lớn, tỉnh Phú Thọ đang chỉ đạo trồng rừng sản xuất tập trung, tuyển chọn giống có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ đưa vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng...; đẩy mạnh trồng và chăm sóc cây phân tán bình quân trên hai triệu cây/năm, góp phần thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo động lực cho phát triển lâm nghiệp và phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khai thác tối đa tiềm năng đất đai theo hướng bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông lâm trường sau thu hồi; điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; giữ ổn định độ che phủ rừng là 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000 ha rừng cây gỗ lớn; trong đó, trồng mới 15.350 ha, chuyển hóa 4.650 ha; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 25.000 ha rừng; sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng 3.500 nghìn m3; năng suất rừng trồng đạt 15 m3/ha/năm./.
Xem thêm:
>>Bài cuối: Tìm hướng phát triển bền vững cho sản phẩm lâm nghiệp
Nhận xét
Đăng nhận xét