Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến đồ gỗ. Đây là môi trường lý tưởng cho ngành trồng rừng, một trong những ngành gắn liền với sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, hiện nay, ngành trồng rừng mới chỉ chú trọng tới các loại gỗ có kích thước nhỏ để sản xuất dăm gỗ, ván gỗ. Lĩnh vực trồng cây gỗ lớn dường như đang bị bỏ ngỏ.
Dư địa cho lĩnh vực gỗ lớn
Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland cho biết: "Hiện nay, doanh thu từ xuất khẩu gỗ của Công ty đạt trên 100 triệu USD/năm. Do đó, nhu cầu về nguyên liệu gỗ của Công ty rất lớn, mỗi năm cần khoảng 3 triệu m3 gỗ keo nguyên liệu. Hiện, Công ty đã hợp tác với 5 sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ FSC (một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu) với khoảng 1.000 ha.
Ngoài ra, Công ty cũng phối hợp với nông dân tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trồng 1.500 ha rừng có chứng chỉ FSC. Mục tiêu của công ty là liên kết với nông dân và các hợp tác xã trồng rừng gỗ lớn (từ 7 năm trở lên, gỗ có đường kính 15 cm trở lên là gỗ lớn) để phục vụ sản xuất, chế biến. Một trong những ưu tiên của Công ty là phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, với hiện trạng trồng rừng trong nước như hiện nay, vẫn chưa đáp ửng đủ nhu cầu của Công ty.
Còn ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: Cả nước hiện có 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, thu hút khoảng 500.000 lao động. Trong đó, có 2.600 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, tập trung nhiều nhất tại khu vực Đông Nam bộ, khu vực Đồng bằng sông Hồng, Nam Trung bộ và Đông Bắc bộ.
Như vậy, có thể thấy nhu cầu về gỗ nguyên liệu của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay tồn tại một nghịch lý là mặc dù gỗ nguyên liệu trong nước đáp ứng gần 80% nhu cầu sản xuất, chế biến, song gần 70% là gỗ có kích thước nhỏ, chỉ sản xuất các sản phẩm như dăm gỗ, các loại ván nhân tạo. Chúng ta đang rất yếu và rất thiếu nguyên liệu từ gỗ lớn.
Cần khuyến khích trồng cây gỗ lớn
Một trong những rào cản không hề nhỏ hiện nay của người dân khi tham gia trồng cây gỗ lớn, là khó khăn trong tiếp cận tài chính. Trong khi đó, việc trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi thời gian dài. Cùng với đó, chính sách thu mua gỗ có chứng chỉ của một số doanh nghiệp còn bất cập so với giá gỗ chưa có chứng chỉ (chưa có nhiều sự khác biệt) nên chưa khuyến khích được người dân trồng rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ. Để có nguồn nguyên liệu gỗ lớn từ rừng trồng, rất cần Nhà nước có nguồn vốn ưu đãi cho người trồng rừng, công ty lâm nghiệp. Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn, việc tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa và giá trị kinh tế từ việc trồng rừng gỗ lớn cũng cần phải đẩy mạnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, người có nhiều năm gắn bó với ngành Lâm nghiệp, cho biết: Diện tích rừng sản xuất của Việt Nam hiện khoảng 3,7 triệu ha. Khả năng tăng diện tích đất rừng trồng sản xuất ở nước ta không còn nhiều.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có rất nhiều dư địa để tăng sản lượng gỗ rừng trồng, nếu kéo dài chu kỳ (10 - 15 năm). Nếu chúng ta làm tốt, thì đến năm 2030 sẽ có khoảng 60 - 70 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ rừng trồng tập trung. Ngoài ra, chúng ta còn nguồn gỗ từ cây cao su, từ cây trồng phân tán...
Vì vậy, Bộ NN&PTNT cần sớm có đề án bài bản về phát triển nguồn gỗ nguyên liệu để trình Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, rất cần sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, Bộ NN&PTNT. Nước ta hiện có 1,1 triệu hộ nông dân trồng rừng, nhưng không có hợp tác xã thì không thể liên kết được với nông dân, người trồng rừng để xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu, sản xuất chế biến.
Các loại gỗ rừng trồng (rừng sản xuất) của Việt Nam hiện nay có cây keo, bạch đàn: 2,59 triệu ha, chiếm 70% tổng diện tích rừng trồng sản xuất; mỡ, bồ đề, tràm: 740.000 ha, chiếm 20% tổng diện tích rừng trồng sản xuất. Các loài cây khác có chu kỳ khai thác trên 10 năm (thông, lát, xoan và các loài cây bản địa khác) khoảng 370.000 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất. Về phát triển rừng trồng gỗ lớn cả nước, hiện mới chỉ khoảng 489.016 ha, trong đó diện tích rừng trồng có chứng nhận quản lý rừng bền vững là 290.500 ha.
Nhận xét
Đăng nhận xét