Xuất khẩu gỗ bật dậy sau dịch nhưng giá nguyên liệu và logistics tăng cao sẽ tiếp tục đè nặng doanh nghiệp
Xuất khẩu gỗ và nội thất đã có sự phục hồi nhanh chóng trong quý I/2022 và được dự báo có nhiều triển vọng tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên, gánh nặng về giá nguyên liệu gỗ và chi phí vận chuyển vẫn sẽ là bài toán khó cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Báo cáo ngành gỗ của CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất gỗ trong quý I/2022 đã phục hồi sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong nửa cuối năm 2021.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và nội thất gỗ trong quý I tăng 6,5% so với cùng kỳ và 39% so với quý trước, đạt 3,9 tỷ USD do các nhà máy gỗ trong nước đã hoạt động trở lại và chạy ở 90 -100% công suất sau COVID-19.
Tính chung kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất từ đầu năm đến hết tháng 4/2022 đạt gần 5,5 tỷ USD, hoàn thành 33% kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đặt ra cho năm 2022.
Nhận định về triển vọng của ngành hàng trong thời gian tới, VNDirect cho rằng nhu cầu toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao nhưng chi phí tăng cao gây áp lực lên doanh nghiệp.
Cụ thể, đơn vị này dẫn chứng Realtor dự báo doanh số bán nhà sẽ tiếp tục tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 7,3 triệu căn. Nhu cầu mua nhà sẽ vẫn ở mức cao với hơn 45 triệu người bước vào độ tuổi mua nhà vào năm 2022.
Còn Grand View Research dự báo giá trị thị trường đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép 7,9% trong năm 2022-2027, nhờ sự tăng trưởng đáng kể của nhà ở gia đình và xu hướng sử dụng đồ gỗ nhờ tính thẩm mỹ vượt trội.
Ngoài ra, mặc dù lãi suất cho vay mua nhà tại Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ năm 2018, các hợp đồng vay mua nhà tiếp tục tăng 8% so với cùng kỳ trong tháng 4 vừa qua.
Do đó, VN Direct kỳ vọng nhu cầu cao về nhà ở tại Mỹ sẽ thúc đẩy việc mua các sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ vào năm 2022-2023.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID" sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ về đồ gỗ, chiếm 22,5% giá trị nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ năm 2021 nhưng ba trong số mười nhà sản xuất gỗ lớn nhất Trung Quốc đã phải đóng cửa các nhà máy ở Thượng Hải và Giang Tô do ảnh hưởng của COVID-19.
Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn sang các nước châu Âu và Mỹ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu trên toàn cầu, kéo theo giá gỗ nguyên liệu tăng cao.
Theo Trading Economics, giá gỗ xẻ Mỹ tăng 25% so với đầu năm tính tới tháng 3/2022, đạt 1.412 USD/board feet. Biên lợi nhuận gộp của hầu hết các công ty gỗ và nội thất đều giảm trong quý I do nguyên liệu đầu vào và chi phí hậu logistic cao.
Cụ thể, chi phí vận chuyển container đã tăng từ 1.500 USD/container 40ft (chặng Thượng Hải-Los Angeles) vào tháng 7/2019 lên gần 8.852 USD/container 40ft vào tháng 3/2022, tăng gấp 6 lần trong vòng 5 năm.
"Mặc dù chi phí vận chuyển có dấu hiệu hạ nhiệt vào tháng 4/2022, giảm 10% so với tháng trước đó nhưng chúng tôi dự báo rằng chi phí logistic sẽ vẫn ở mức cao khoảng 7000 USD/container 40ft vào năm 2022 do mức giá dầu cao hiện nay.
Như vậy chi phí logistics cao cùng với nguồn cung thiếu hụt sẽ tiếp tục đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao vào năm 2022, điều này có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty gỗ và nội thất trong năm 2022", VN Direct dự báo.
Nhận xét
Đăng nhận xét