(PLO)- Mặc dù vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương, nhưng ngành gỗ Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức đến từ nội tại doanh nghiệp lẫn tình hình kinh tế toàn cầu.
Theo Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tám tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt hơn 11 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trở lại trong tháng 8-2022 nhưng ảnh hưởng của lạm phát và những bất ổn về kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng cũng như các mặt hàng khác nói chung của Việt Nam, trong những tháng cuối năm 2022.
Tại họp báo công bố sự kiện triển lãm quốc tế VietnamWood 2022 vào sáng 5-10, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HAWA, dự báo cuối năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ khoảng 5-7%, ước đạt 16.8 tỉ USD.
Tuy nhiên so với tốc độ tăng trưởng của các năm trước đây thì đây không phải là con số mà ngành gỗ mong đợi. “Hi vọng vào năm 2023, quỹ đạo tăng trưởng sẽ quay trở lại với ngành gỗ Việt Nam”- vị Phó chủ tịch HAWA chia sẻ.
Ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023. ẢNH: PLO |
Cũng theo ông Phương, hiện nay ngành gỗ vẫn còn nhiều thách thức khi nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ cao su. Mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ.
Chưa kể về mặt công nghệ, tuy có một số nhóm doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ hiện đại với máy móc chủ yếu được nhập khẩu, song các thiết bị đang sử dụng đều có năm sản xuất trung bình là 2010, khá cũ so với các thiết bị hiện nay.
“Điều này đã thúc đẩy nhu cầu của các doanh nghiệp về các giải pháp công nghệ sản xuất, chế biến, nhất là trong bối cảnh mức tăng trưởng giảm ở nhiều ngành công nghiệp, trong đó giảm nhiều nhất là ngành gỗ.
Chính vì thế để giữ chân lao động và thị trường, các doanh nghiệp gỗ đang có xu hướng đầu tư về công nghệ, quản trị. Mà thông qua Vietnam Wood 2022, chúng tôi kỳ vọng sẽ mang đến các xu hướng, giải pháp thông minh và những tiến triển mới dành cho chuỗi sản xuất, chế biến gỗ”- ông Phương chia sẻ.
Theo ban tổ chức, khác với mọi năm, Vietnam Wood 2022, không có sự tham gia của các nhà triển lãm Trung Quốc do các chính sách Zero-COVID từ nước này, song sự kiện vẫn thu hút hơn 250 doanh nghiệp từ 24 quốc gia và khu vực. Trong đó các nhà triển lãm đến từ châu Âu được kỳ vọng giúp cho doanh nghiệp Việt tiếp cận được các xu hướng công nghệ tự động, những giải pháp thông minh và các ứng dụng thực tế trong thiết kế nội thất.
"Các thương hiệu tham gia triển lãm sẽ đem đến các giải pháp kiểm soát được sản phẩm từ nguyên vật liệu cho đến khi hoàn thành và chuyển tới tay người tiêu dùng. Từ đó đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các thành phẩm, giảm chi phí sản xuất, đổi mới cải tiến mẫu mã và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đây cũng là chiến lược của ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay"- ông Phương nhấn mạnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét