[Biz Insider] Bất thường cấu trúc nguồn vốn của nhà buôn dăm gỗ Nam Phương vừa bị công an điều tra về thuế
Giai đoạn 2017 – 2021, dù vốn chủ sở hữu của nhà buôn dăm gỗ Nam Phương (Ninh Bình) khá bé, nhưng nợ phải trả luôn ở mức cao gấp 12-17 lần vốn chủ sở hữu. Chỉ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ cải thiện ở năm 2021 nhờ giảm mạnh khoản phải trả và tăng vốn điều lệ.
Nhà buôn dăm gỗ Nam Phương bị công an Ninh Bình điều tra về thuế
Công an tỉnh Ninh Bình đang điều tra việc hoàn thuế của Công ty TNHH Nam Phương Ninh Bình (Công ty Nam Phương). Trong khoảng 5 năm qua, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình ra hàng chục quyết định hoàn thuế cho Nam Phương với số tiền gần 100 tỷ đồng. Thông tin trên cho thấy, chỉ riêng từ năm 2016 đến năm 2020, tổng giá trị hàng hóa mua vào của Công ty Nam Phương là hơn 1.000 tỷ đồng, thuế đầu vào là hơn 96 tỷ đồng. Hàng hóa, dịch vụ mua vào là gỗ keo tròn, dăm gỗ. Các sản phẩm này đều mua từ các hộ dân ở Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ.
Từ năm 2016 đến nay, Nam Phương đã sử dụng trên 1.000 hóa đơn GTGT đầu vào của gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kê khai thuế.
Đáng chú ý, Công ty Nam Phương sử dụng hơn 90 số hóa đơn GTGT với tổng giá trị tiền hàng trước thuế là trên 460 tỷ đồng của công ty TNHH MTV thương mại Linh Nhung do Nguyễn Đức Hậu làm giám đốc.
Chân dung Nhà buôn dăm gỗ Nam Phương
Công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty Nam Phương thành lập và tháng 4/2015 với ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán dăm gỗ, có vốn đăng ký ban đầu là 10 tỷ đồng. 3 cổ đông sáng lập gồm: bà Nguyễn Thị Phương (ngụ tại Ninh Bình) nắm giữ 10% vốn; bà Bùi Thị Kim Nhung (ngụ tại Nam Định) nắm giữ 25% và bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ tại Hà Nội) nắm giữ 65% vốn.
Từ tháng 10/2015, cơ cấu sở hữu vốn của Nam Phương bắt đầu có sự thay đổi. Đến tháng 11/2021, vốn điều lệ của Công ty Nam Phương là 15 tỷ đồng, với 3 cổ đông nắm giữ gồm: Đoàn Thị Ngọc Bích (45%); Nguyễn Văn Tỉnh (50%) và Bùi Thị Kim Nhung (5%).
Ở thời điểm cuối năm 2021, Công ty Nam Phương có địa chỉ đăng ký tại 15/279 đường Xuân Thành, phố Tân Thịnh, P. Tân Thành, Thành phố Ninh Bình, Ninh Bình.
Dữ liệu cho thấy, 5 năm trở lại đây, doanh thu của Nam Phương tăng trưởng khá tốt, tuy nhiên, duy nhất năm 2019 báo lãi, còn lại là lỗ nặng.
Cụ thể, năm 2017, 2018, doanh thu của Nam Phương đạt 74,7 tỷ và 168 tỷ tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lần lượt lỗ 6,2 tỷ; và lỗ 5 tỷ đồng.
Năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu đạt 317 tỷ đồng, tăng 88,7% so với năm trước đó và lợi nhuận đạt 5,7 tỷ đồng. Năm 2020 và 2021, doanh thu Nam Phương lần lượt đạt 317 tỷ và 245 tỷ nhưng lợi nhuận lần lượt âm 5 tỷ và 7,3 tỷ đồng.
Mặc dù vốn chủ sở hữu khá bé, nhưng nợ phải trả của Nam Phương ở mức cao, 12-17 lần vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, năm 2017 vốn chủ sở hữu của Nam Phương đạt 4,3 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên đến 53,3 tỷ đồng; năm 2019 vốn chủ sở hữu gần 10 tỷ đồng, nợ phải trả 167 tỷ đồng.
Chỉ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu có cải thiện mạnh trong năm 2021, khi Nam Phương tăng vốn điều lệ và giảm các khoản phải trả. Cụ thể, vốn chủ sở hữu lên hơn 28 tỷ đồng và nợ phải trả là 72 tỷ đồng, tương đương nợ phải trả gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, năm 2020 Công ty Nam Phương vay vốn ngân hàng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Nhận xét
Đăng nhận xét