(HQ Online) - Chuyển đổi số đang là xu hướng được các DN gỗ lựa chọn để gia tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, mỗi DN là một câu chuyện riêng, cần những giải pháp riêng và việc chuyển đổi số là cả một quá trình dài hơi mà DN cần có kế hoạch và sự phân bổ nguồn lực phù hợp cho từng giai đoạn mới đạt được hiệu quả.
Doanh nghiệp tìm lợi thế xuất khẩu từ chuyển đổi số | |
“Thời điểm vàng” để doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện | |
Doanh nghiệp cảng biển chuyển đổi số, giảm chi phí logistics |
Nhân sự chất lượng cao chính là điểm yếu của các DN gỗ khi thực hiện chuyển đổi số. Ảnh: TL |
Khó khăn về nhân sự
“Báo cáo thực trạng chuyển đổi số ngành gỗ 2022” do Novaon Tech, Hiệp hội Internet Việt Nam thực hiện cùng sự tham gia của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho thấy, có tới 75% DN đánh giá chuyển đổi số sẽ là tác nhân ảnh hưởng mạnh tới năng lực cạnh tranh cốt lõi của DN trong khoảng 1-5 năm tới. Đáng chú ý, trong 2 năm đại dịch, chuyển đổi số đã giúp các DN gỗ giảm 10% chi phí, trong khi doanh thu tăng trưởng từ 10 - 20% và năng suất lao động tăng hơn 20%.
Tuy nhiên, mức độ chuyển đổi số của ngành gỗ Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Báo cáo cho thấy, 20% DN vẫn chưa thực hiện chuyển đổi số bất cứ hạng mục nào, hơn 56% DN mới chuyển đổi được một phần và chỉ 4,2% DN đã chuyển đổi số toàn bộ quy trình hoạt động.
Có 3 lý do cho thực trạng này, đó là chi phí ban đầu bỏ ra lớn; năng lực công nghệ và đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng được chuyển đổi số và các DN cũng thiếu đối tác chuyên nghiệp, có năng lực tư vấn và giải pháp tốt. Cụ thể, có đến 82,5% DN lo ngại về chi phí bỏ ra ban đầu quá lớn; 80% DN thiếu đối tác chuyên nghiệp có năng lực tư vấn, giải pháp tốt có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, 65% DN đối mặt với những khó khăn về kỹ năng, năng lực công nghệ và đội ngũ nhân sự.
Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi số, các DN ngành gỗ còn đối mặt với các khó khăn như lãnh đạo chưa có mong muốn thực hiện chuyển đổi số, chiến lược kinh doanh chưa đặt chuyển đổi số là ưu tiên và có quá nhiều phần mềm, không tích hợp được với nhau.
Trong khi đó, với kinh nghiệm 30 năm cung cấp máy móc thiết bị trong ngành chế biến gỗ, ông Lê Đức Hiếu, Giám đốc dự án Công ty TNHH Thương mại Vĩ Đại (VETTA), đánh giá các DN chế biến gỗ Việt Nam hiện không thua kém các nước trong khu vực về việc đầu tư các máy móc đơn lẻ. Tuy nhiên, so với các DN lớn trong khu vực và các DN bài bản của châu Âu thì những DN này lại thiếu sự kết nối giữa các máy đơn lẻ để có thể vận hành thành dây chuyển sản xuất thông minh
Ông Hiếu cũng chỉ ra rằng, vấn đề khó khăn của hầu hết DN chế biến gỗ khi chuyển đổi số hiện nay nằm ở vấn đề nhân lực. “Sau hàng chục năm phát triển và tích lũy, các DN gỗ Việt Nam có dư khả năng tài chính để đầu tư, mua máy móc hiện đại từ châu Âu cùng phần mềm đi kèm để sản xuất thông minh. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có nhân lực chất lượng cao để vận hành dây chuyền thông minh đó” – ông Hiếu chia sẻ. Theo đó, trong số 10 DN mua máy móc thiết bị cùng phần mềm đi kèm thì chỉ có 3 DN có thể vận hành dây chuyền sản xuất thông minh. Trong khi chi phí cho việc đầu tư phần mềm sản xuất thông minh thấp nhất cũng là 3 tỷ đồng, các phần mềm trọn gói có thể lên đến 10 tỷ đồng. Nhưng theo ông Hiếu, có DN đầu tư 10 tỷ đồng mua máy móc và phần mềm nhưng không thể vận hành vì thiếu nhân lực.
Xây dựng đội ngũ tại chỗ
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA cho biết, trong giai đoạn vừa qua, HAWA đã truyền thông cho các DN hiểu được rằng chuyển đổi số bắt đầu từ đâu và hiện HAWA đã chuyển sang bước tiếp theo là thực hiện hành trình này như thế nào. Cụ thể, HAWA đã bắt đầu bằng việc xây dựng nhận thức trong giới lãnh đạo DN cũng như xây dựng một nhóm CIO (giám đốc công nghệ thông tin) để rút ngắn được khoảng cách giữa lãnh đạo DN với những người thực hiện công việc chuyển đổi số. Ở giai đoạn hiện tại, HAWA đang giới thiệu những giải pháp cụ thể cho các DN với chi phí phù hợp.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, chuyển đổi số phụ thuộc vào tầm nhìn cũng như tư duy của DN, do đó không có giải pháp nào có thể là hay nhất, bao quát cho tất cả DN mà chỉ có những giải pháp phù hợp cho nhóm DN hoặc chỉ một DN cụ thể. Cùng là chuyển đổi số nhưng các DN không nên máy móc, rập khuôn theo các DN khác vì sẽ không tạo ra giá trị khác biệt mà còn vô tình tự mình gây áp lực cạnh tranh lẫn nhau.
Là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nội ngoại thất cho các thương hiệu và hệ thống phân phối lớn tại châu Âu và châu Mỹ, Công ty Scansia Pacifisc đã bắt đầu chuyển đổi số từ 10 năm trước. Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó chủ tịch Scansia Pacific chia sẻ, để chuyển đổi số, trước tiên DN phải chuẩn hóa quy trình nội bộ rồi sau đó mới lựa chọn giải pháp phần mềm từ các đơn vị bên ngoài. Lúc này, khó khăn nằm ở chỗ các đơn vị cung cấp phần mềm không hiểu nhiều về sản xuất và ngược lại các nhân viên sản xuất lại không có chuyên môn về phần mềm nên việc tương tác, trao đổi có nhiều hạn chế. Để khắc phục khó khăn này, Scansia Pacific đã xây dựng một đội ngũ phát triển phần mềm của riêng mình và việc này phát huy hiệu quả rất tốt khi có thể xem xét và giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh của DN.
Ông Nguyễn Hoài Bảo cũng chia sẻ những lợi ích rất lớn mà Scansia Pacific nhận được nhờ chuyển đổi số. “Ở bất cứ đâu, lãnh đạo DN cũng có thể mở điện thoại xem báo cáo, mở ứng dụng trên điện thoại xem tình hình sản xuất từng giờ, từng phút, hàng đang sản xuất đến đâu. Đây là sự giải phóng rất lớn cho lãnh đạo DN” – ông Bảo nói.
Ông Bernd Kahnert, CEO Công ty TNHH GCC Consultancy cũng khuyến nghị các DN không nên quá tham lam khi thực hiện chuyển đổi số mà nên làm từ từ từng bước một. “Đây không phải một cuộc thi chạy cự li ngắn mà là một cuộc đua marathon dài hơi” – ông Bernd Kahnert nhấn mạnh. Theo đó, các DN cần có sự tính toán và phân bổ nguồn lực phù hợp cho từng giai đoạn để mang lại lợi ích cao nhất.
Nguyễn Hiền
Nhận xét
Đăng nhận xét