(Chinhphu.vn) - Viên nén gỗ, chủ yếu được làm từ phụ phẩm của ngành lâm nghiệp, nhưng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng năm 2022 đã đạt khoảng 568 triệu USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngày 28/10, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã tổ chức đại hội thành lập Chi hội viên nén gỗ Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng ượng sinh học Phú Tài cho biết, viên nén gỗ chủ yếu được làm từ phụ phẩm của ngành lâm nghiệp như cành, ngọn, bìa bắp, vỏ bào, mùn cưa, gỗ vụn. Trị giá xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 165 triệu USD vào năm 2017 lên 413 triệu USD năm 2021. Trong 10 tháng năm nay, trị giá xuất khẩu đạt khoảng 568 triệu USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2021.
"Trị giá xuất khẩu viên nén gỗ đã tăng vọt trong 10 tháng năm nay là do Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh sử dụng viên nén gỗ để sản xuất điện thay cho dầu đang tăng giá do cuộc xung đột Nga-Ukraine", ông Phong chia sẻ.
Theo thống kê, hàng năm cả nước có khoảng 20 triệu m3 củi, cành nhánh và vỏ bào, mùn cưa. Với lượng nguyên liệu như vậy, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ mặc dù tăng cao trong thời gian qua, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của ngành. Nguyên nhân là do còn có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như chưa có tiêu chuẩn hướng dẫn sản xuất, quy định về chất lượng sản phẩm; nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng bộ, chất lượng kém, đẩy giá xuất khẩu xuống thấp. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến viên nén gỗ chưa có tiếng nói chung trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh mua nguyên liệu, mạnh ai lấy làm trong xuất khẩu.
"Những khó khăn, hạn chế nêu trên, một doanh nghiệp không thể giải quyết được, mà cần có sự đoàn kết, thông nhất của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh như vậy, việc thành lập Chi hội viên nén gỗ Việt Nam nhằm đoàn kết, thống nhất các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ, giải quyết những khó khăn vướng mắc, đảm bảo cho ngành công nghiệp sản xuất viên nén gỗ phát triển bền vững, hiệu quả là hết sức cần thiết", ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Phát biểu tại đại hội, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cũng nhìn nhận, thời gian qua, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Hiện cả nước có khoảng trên 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ. Ngành gỗ Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển như nguồn nguyên liệu dồi dào; nhiều doanh nghiệp hoạt động căn cơ, bài bản, có sự tăng trưởng lớn mạnh và có uy tín lớn trên thị trường quốc tế.
"Tôi hy vọng sau đại hội sẽ có một Chi hội viên nén gỗ Việt Nam có tiếng nói, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nói riêng và ngành gỗ nói chung", lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, hành lang pháp lý tốt nhất để các doanh nghiệp ngành gỗ phát triển, qua đó tạo động lực phát triển ngành trồng rừng, phát triển rừng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng triệu người dân đang sinh sống phụ thuộc vào nghề rừng".
Đỗ Hương
Nhận xét
Đăng nhận xét