PNO - Do tác động nặng nề của lạm phát, người tiêu dùng ở nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiết kiệm chi tiêu, các đối tác nước ngoài giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vừa thiếu đơn hàng mới để sản xuất, gia công, vừa bị hủy một số đơn hàng cũ.
Ngành gỗ phải giảm lao động
Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) - cho biết thông thường, vào các tháng cuối năm, nhu cầu sửa chữa, trang trí nội thất tăng nên mọi năm, lượng hàng gỗ xuất khẩu luôn tăng trưởng cao. Thế nhưng, kể từ tháng 7/2022 đến nay, đơn hàng của Viet Products giảm khoảng 30% so với các tháng trước, nhiều nhất là nhóm hàng có giá trị gia tăng cao như đồ gỗ phòng khách, phòng ăn, ghế khung gỗ, nội thất phòng ngủ, nội thất văn phòng, đồ mỹ nghệ.
Các doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may đang gặp khó khăn do đơn hàng mới sụt giảm, đơn hàng cũ bị hủy hoặc bị đối tác chậm thanh toán (trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA Tây Ninh) - Ảnh: T.H |
Ông Sang nói: “Trước đây, sau khi giao hàng khoảng 30 ngày, chúng tôi được đối tác thanh toán tiền nhưng hiện nay, chúng tôi phải chờ nhiều tháng bởi đơn vị phân phối không bán được hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi sẽ rất khó khăn bởi vừa duy trì việc sản xuất, vừa phải trả lãi ngân hàng”.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - thông tin thêm, sau thời gian tăng trưởng liên tục, từ tháng 4/2022, việc xuất khẩu gỗ bắt đầu chững lại, đến tháng 7/2022 thì tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021. Trong một cuộc khảo sát của HAWA với 52 doanh nghiệp (DN), có đến 47 DN cho biết, đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm nhiều, trong đó có 14 DN bị giảm 70-90%, 18 DN sụt giảm từ 30-60%, 15 DN bị giảm từ 10-30%, chỉ 5 DN có đơn hàng tăng (10-30%). Do không có đơn hàng, 65% DN phải cắt giảm 20-50% lượng lao động, có DN giảm 70% lượng lao động so với trước khi có dịch COVID-19.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, hiện giá hàng hóa ở Mỹ và châu Âu tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Các DN Mỹ và châu Âu có xu hướng tăng nhập khẩu từ các thị trường có vị trí địa lý gần nước mình nhằm giảm chi phí vận chuyển. Từ đó, nhiều nhà nhập khẩu tạm ngưng hoặc hủy các đơn hàng đã đặt dù đang được các DN Việt Nam tổ chức sản xuất. Cũng có đối tác ký gửi hàng tại kho ở Việt Nam khiến DN xuất khẩu của Việt Nam phải tốn chi phí mặt bằng, bảo quản hàng và chậm được thanh toán.
Ngành dệt may giảm giờ làm
Ngành dệt may cũng không khá hơn ngành gỗ. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony - cho biết thời điểm này các năm trước, kể cả các năm có dịch COVID-19, đơn hàng xuất khẩu đã kín đến hết quý I của năm sau, các đối tác chủ động tìm đến DN đặt hàng, công nhân làm không kịp. Nhưng hiện tại, DN không có đối tác mới, còn đơn hàng cũ chỉ đủ để sản xuất đến đầu tháng 11 năm nay. Ông nói: “Hiện tại, chúng tôi không dám tuyển nhân công vì lo không đủ việc cho công nhân làm. Nếu sắp tới không có đơn hàng mới với số lượng lớn, thời hạn dài thì DN sẽ rất khó khăn”.
Đơn hàng xuất khẩu của Công ty TNHH May mặc Dony chỉ còn đủ để sản xuất đến đầu tháng 11 năm nay. Hiện công ty đang hướng vào thị trường nội địa bằng cách ký hợp đồng với một số thương hiệu lớn - Ảnh: T.H |
Những ngày này, công nhân Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP.Thủ Đức) phải khẩn trương hoàn thành sản phẩm cho đơn hàng xuất sang Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc công ty - lại bất an bởi số đơn hàng cho các tháng tới giảm 20-30%. Hiện nhiều DN trong ngành dệt may phải cắt giảm hoạt động sản xuất xuống còn 5 ngày/tuần, sắp tới có thể còn 3-4 ngày/tuần.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtex), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 - cho biết đang đánh giá lại tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trong Agtex. Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 có đơn hàng để sản xuất đến hết quý III, nhiều đơn hàng khác để sản xuất trong quý IV/2022 nhưng ông vẫn lo bị phía nhập khẩu giảm hoặc hủy đơn đột ngột.
Theo bà Trần Thị Tuyết Mai - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - chưa năm nào mà tình hình xuất khẩu lại “quái dị” như năm nay. Trong quý I/2022, DN nhận đơn hàng nhiều nhưng lại thiếu nhân công, phải chạy khắp nơi tìm DN gia công. Đến quý II, khi DN tuyển đủ nhân công thì đơn hàng không có, nhiều DN thiếu đơn hàng đến cuối năm 2022. Hiện Vitas đang thống kê để có hướng hỗ trợ DN, trong đó tập trung vào những DN có lượng đơn hàng giảm nhiều, ảnh hưởng đến công nhân.
Không có đơn hàng, các DN phải cho công nhân nghỉ làm vào cuối tuần, khuyến khích công nhân nghỉ phép, nghỉ lễ dài hạn. Chị Phạm Thị Bé - công nhân Công ty May YV LE (H.Hóc Môn, TPHCM) - cho biết do không có đơn hàng nên dịp 2/9 này, công ty cho toàn bộ công nhân nghỉ 10 ngày: “Các tháng trước, tôi đều tăng ca đến khuya, làm luôn ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Hiện giờ thì mỗi tuần, tụi tôi chỉ làm 4-5 ngày nên thu nhập giảm 2/3 so với trước. Hiện ai cũng lo, không biết sắp tới có bị thất nghiệp hay không”.
Doanh nghiệp hướng về thị trường nội địa
Ông Phạm Quang Anh cho biết, dù ít đơn hàng xuất khẩu mới nhưng đơn hàng nội địa vẫn đều đặn, sức tiêu thụ khởi sắc. Công ty TNHH May mặc Dony vừa ký hợp đồng với một số thương hiệu lớn. “Trước đây, hàng nội địa bị xem là hàng có chất lượng thấp nên giá rẻ. Vài năm trở lại đây, các thương hiệu nội địa yêu cầu rất cao về chất lượng và cũng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Chủ các thương hiệu này trả giá gia công cao tương đương hàng xuất khẩu.
Theo bà Trần Thị Tuyết Mai, nhu cầu thị trường đang được định hình lại khiến đơn hàng bị sụt giảm. Thế nhưng, những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như dệt kim, gấm, veston, áo khoác, đồ thể thao vẫn giữ được đơn hàng tốt. Do đó, DN Việt Nam phải chuyển đổi mô hình sản xuất, đáp ứng được nhu cầu mới, thị trường mới.
Ông Nguyễn Chánh Phương đánh giá, có khả năng DN ngành gỗ còn chịu tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới trong 6-18 tháng tới. Tuy nhiên, nhóm hàng gỗ nội địa, đặc biệt là gỗ ngoại thất đang phục hồi sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Các DN sản xuất gỗ ngoại thất vẫn tuyển dụng nhiều lao động, làm không xuể việc. Do đó, thị trường nội địa rất giàu tiềm năng để khai thác, nhất là khi đầu tư công được đẩy mạnh.
Đáng chú ý là, trong bảy tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ nội thất nhà bếp tiếp tục tăng mạnh. Dù kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng nhưng so với Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ nội thất trên toàn cầu. Đồ gỗ nhà bếp do Việt Nam sản xuất đang được thị trường thế giới ưa chuộng nên các DN cần quan tâm tìm đối tác nhập khẩu cho loại sản phẩm này.
“Dù đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu sụt giảm nhưng vẫn tăng trưởng tốt ở các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, nếu định hướng lại thị trường, các DN ngành gỗ vẫn có đầu ra tốt” - ông Nguyễn Chánh Phương nhận định.
Bên cạnh ngành gỗ, dệt may, các DN ngành nhựa, cơ khí, điện, gốm sứ, giày da cũng có dấu hiệu sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, bị dời hạn sản xuất, chậm thanh toán tiền. Trong bối cảnh đó, DN rất cần vốn để xoay xở nhưng lại ít có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Hiện nhiều DN trông chờ vào gói hỗ trợ 2% lãi suất nhưng việc tiếp cận rất khó khăn do không đáp ứng các tiêu chí mà ngân hàng đặt ra hoặc các ngân hàng không muốn, không dám cho vay. Một số giám đốc chi nhánh ngân hàng cho biết, họ e ngại lặp lại tình trạng của năm 2009. Khi đó, các ngân hàng cũng triển khai gói hỗ trợ lãi suất nhưng đến nay, vẫn chưa quyết toán xong hoặc đã quyết toán xong nhưng thanh tra Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận. Do đó, với gói hỗ trợ 2% lãi suất hiện nay, cần có cách để bảo đảm an toàn cho ngân hàng, đồng thời có chính sách riêng để các DN tiếp cận được vốn vay. Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) |
Thanh Hoa
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Thị trường gỗ- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét